Một ngày nên nghĩa Khi chúng tôi tới thăm, anh Khánh đang lưng trần ngồi vá lại những chiếc áo đã cũ của gia đình. Anh bảo, 15 năm nay, những công việc “rất đàn bà” ấy anh làm quen rồi. Nhiều người ban đầu nhìn vào, cũng thấy ái ngại cho anh nhưng bản thân anh thì thấy nó rất đỗi bình thường. “Mỗi người một hoàn cảnh, thích nghi dần quen thôi anh ạ. Ai cười kệ người ta”, rót vội li nước lọc sang mời khách, anh Khánh vừa tâm sự.
Quê gốc anh không phải ở Cầu Giấy này mà mãi ở tận Hưng Hà (Thái Bình) nhưng anh lên đây lâu rồi, từ những năm đất nước còn chưa thống nhất và vùng Cầu Giấy ngày ấy vẫn còn là vùng đất ao chuôm vắng lặng. “Năm 1973, tôi lên đây học Trung cấp Xây dựng, sau đó được chọn đi tu nghiệp ở Tiệp Khắc 8 năm rồi về làm cơ khí ở Bộ Xây dựng. Năm 1988 chuyển về công ty Xuất Nhập khẩu Từ Liêm và cũng ở đây thì gặp cô ấy. Quen nhau khoảng một năm, đủ để tìm hiểu về hoàn cảnh cũng như tình cảm, chúng tôi cưới.”
Nhưng cũng phải đến mấy lần chạy chữa, năm 1991 anh chị mới sinh được cậu con trai đầu lòng và bốn năm sau thì có cô con gái út. Thời ấy, lương Nhà nước ba cọc ba đồng khiến đời sống gia đình khó khăn. Một thời gian sau, chị Hảo vợ anh, bị tinh giản biên chế cũng thất nghiệp ở nhà buôn bán lặt vặt.
“Đến năm 2000,vợ tôi đang khỏe mạnh thì một ngày kêu đau đầu dữ dội. Đau đến mức cô ấy phải cầm tóc mà kéo thẳng lên mới đỡ được đôi chút. Đi khám, chúng tôi gần như chết đứng khi nghe bác sỹ bảo cô ấy bị u não và mạng sống, khó có thể kéo dài được”. Chạy chữa bao nơi không khỏi bất chợt một ngày, anh Khánh nghe tin có đoàn bác sỹ người Pháp sang thăm khám và công tác tại bệnh viện Việt Đức. Cố gắng mọi cách dù chỉ có một tia hi vọng, anh Khánh đưa vợ đến khám và các bác sỹ đã đồng ý mổ cho chị Hảo.
“Dù rằng trước khi phẫu thuật, các bác sỹ cũng nói rằng hi vong chỉ là 50% thôi và nếu tiến hành, gia đình cũng phải cam kết chấp nhận rủi ro. Nhưng mổ thì còn hi vọng chứ không mổ thì chắc chắn chết nên gia đình tôi quyết định mạo hiểm”. Và theo như lời anh Khánh thì đó là ca môt khó và lâu nhất của đoàn bác sỹ người Pháp trong chuyến công tác ở Việt Nam lần ấy. Bắt đầu từ 8h nhưng phải đến gần 24h hôm ấy, ca mổ mới hoàn thành. Nhiều người, trong đó có cả bác sỹ Việt Nam tham gia kip mổ cũng cho rằng không có hi vọng sống sót.
Nhưng trời không phụ lòng người, khi đến 12h đêm, vị bác sỹ người Pháp đã thông báo tính mạng của chị Hảo đã được cứu, khối u cũng đã được cắt bỏ nhưng ngược lại, chị bị teo gai thị giác và sẽ bị mù vĩnh viễn. Anh Khánh bảo lúc mới nghe thông tin ấy anh cũng chán nản nhưng rồi lại nghĩ, mạng sống là quan trọng nhất, dù vợ có trở thành một người tàn phế.
Gia đình hạnh phúc của Khánh
Ước mơ giản dị
Ngồi bên cạnh chồng, chị Phạm Thị Bích Hảo cũng chia sẻ thêm, khi biết mình đã không còn có thể nhìn thấy nữa, chị cũng đã đôi ba lần khuyên anh đi tìm bến đỗ khác để xây dựng cuộc sống mới. Nhưng chồng chị đã không đồng ý. “Đến khi tôi nói nhiều quá anh ấy gắt lên tôi mới dám chấp nhận tình yêu của chồng và thôi không nói đến chuyện ấy nữa. Thậm chí không chỉ tôi, một số bạn bè anh ấy cũng ái ngại bảo anh đi tìm một người vợ khác chứ hai con nhỏ dại, vợ mù lòa thì sẽ sống ra sao”.
Nhắc chuyện cũ, anh Khánh cũng bảo khi nghe một số người “khuyên” như vậy, anh cũng nói thẳng luôn với họ: “Tôi không kêu ca, vợ tôi không kêu ca, anh chị nói chuyện ấy giúp tôi làm gì”. Nói một cách quyết liệt như vậy nên mọi người mới thôi.
Xác định hoàn cảnh của mình, thời gian ngắn sau anh Khánh đã xin ra khỏi cơ quan, về Khách sạn Cầu Giấy làm một "chân" bảo vệ. “Về đó hai ba bước chân là sang nhà, tôi sẽ có thời gian để chủ động việc gia đình lẫn việc cơ quan”. Thói đời, “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” thì bản thân anh Khánh, sau 15 năm chung sống lại bắt đầu hướng dẫn lại vợ những việc như vo gạo, thổi cơm, quét nhà…
Và cũng 15 năm nay, cứ đều đặn 5 giờ sáng, người đàn ông ấy lại dậy gấp chăn màn, dắt vợ đi tập thể dục để tăng cường sức khỏe. “Chúng tôi đi bộ cho thư thái đầu óc và giãn gân giãn cốt. Tôi dẫn cô ấy đi để cô ấy hiểu rằng, dù có ở hoàn cảnh nào thì cũng có tôi luôn ở bên cạnh”. Lương bảo vệ để nuôi hai đứa con ăn học cùng người vợ mù lòa chắc chắn không đủ. Nhưng nói như lời anh Khánh, biết hoàn cảnh của mình, kêu ca cũng chẳng ích gì, thôi thì cứ nhảy vào chiến đấu lại với đời. Kết hợp chạy xe ôm, bốc vác thuê và làm bảo vệ, đã 15 năm nay, những đồng tiền mặn mùi mồ hôi ấy đã nuôi hai đứa con anh chị khôn lớn vào đại học và một tương lai đầy hứa hẹn đang chờ đón chúng.
“Con nhà nghèo, mẹ lại như vậy nên chúng sớm tự lập và có thể nói, cả hai đứa chưa đòi hỏi chúng tôi bất cứ điều gì. Đó là hạnh phúc lớn nhất mà chúng tôi có được”, anh Khánh chia sẻ. Và với người đàn ông, dù vất vả nhưng trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 57 này thì mong muốn lớn nhất của anh là hai đứa con tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định. “Vài năm nữa, sức khỏe cũng xuống làm sao mà bốc vác hay chạy xe mãi được. Lo xong cho chúng nó ổn định thì tôi chỉ muốn dắt vợ về quê Thái Bình. Làm cái nhà nho nhỏ gần bờ biển, câu cá trồng rau vui buồn trọn vẹn với nhau đến hết đời. Thực lòng là tôi cũng chẳng mong muốn gì hơn thế”.