Tuổi thơ của Đỗ Trường Hùng kém may mắn hơn những đứa trẻ khác vì sớm thiếu vắng tình cảm của bố. Mẹ là chỗ dựa duy nhất và cũng là người đã tần tảo sớm hôm nuôi nấng em nên người.
Công việc chính của mẹ Hùng là bán hoa. Cứ đêm đến là mẹ em phải đạp xe ra chợ đầu mối để lấy hoa. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mẹ Hùng không dám nghỉ một buổi nào. Đơn giản chỉ vì nếu bà nghỉ thì 2 con sẽ chẳng có gì để ăn và cũng không có tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Từ nhỏ Hùng đã theo chân mẹ đi buôn hoa nên việc ngủ đường ngủ chợ là chuyện thường ngày. Khi học lớp 11, Hùng đã đi phụ hồ để phần nào giúp mẹ trang trải cuộc sống. Ngay cả những ngày ôn thi Đại học vất vả tại Hà Nội, Hùng vẫn không quên phụ mẹ kiếm tiền. Em vừa ôn thi vừa đi làm bảo vệ ở một công ty 14 tiếng/ngày với mức lương 1,8 triệu đồng.
Khi học Đại học, Hùng làm đủ nghề từ bưng bê, bán bánh khoai đến chở gạch thuê, đi xe ôm. Em không ngại khó, ngại khổ, làm đủ mọi công việc để có thể tự nuôi mình ăn học, từng bước thực hiện ước mơ cũng như nuôi người em trai đang học tại Đại học Bách khoa.
Sau 2 năm học tập tại Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đỗ Trường Hùng là người có thành tích học tập ở tốp đầu với điểm số trên 8.0. Khó khăn về kinh tế là vậy, tuy nhiên, trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 của Hùng lại có cả nghìn cuốn sách từ lịch sử, văn hóa đến nghệ thuật trong nước và nước ngoài. Có bao tiền Hùng đều dành để mua sách. Đối với Hùng, sách không chỉ là tri thức mà còn là nguồn động lực sống. Sách của Hùng đa số là sách cũ, song với Hùng, "những nét chữ trên sách có thể bị mờ theo thời gian nhưng tri thức, giá trị thì không hề cũ".
Câu chuyện của chàng trai này đã truyền cảm hứng học tập và vươn lên cho rất nhiều bạn trẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!