Tồn tại trên 300 năm, nghề rèn của người Nùng An ở Phúc Sen, Cao Bằng hiện vẫn được các nghệ nhân trong làng truyền từ đời này qua đời khác, bất chấp sự phát triển của nhịp sống hiện đại dẫn đến nguy cơ mai một của rất nhiều làng nghề truyền thống khác. Không những tồn tại một cách vững vàng, nghề rèn còn mang lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển nông thôn mới cho bà con Nùng An nơi đây.
Theo ghi nhận của phóng viên VTV, gia đình ông Nông Văn Thông, một nghệ nhân làm rèn lâu năm ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, trước đây đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng khó khăn. Khi chưa làm nghề rèn, gia đình ông Thông thuộc diện hộ nghèo, đói ăn quanh năm. Vợ chồng nghèo, một nách nuôi 3 con nhỏ, cả nhà trông chờ vào mấy sào ruộng nương.
Cuộc sống đã đổi thay kể từ khi gia đình ông Thông làm nghề rèn. Ông tâm sự: "Nghề rèn là nghề phụ, nhưng đem lại thu nhập chính. Bởi vì ở xóm Pắc Rằng nói riêng và Phúc Sen nói chung, đất ít, người đông; nếu không có nghề phụ này, người dân không thể có cuộc sống như ngày hôm nay".
Sau nhiều năm ăn nên làm ra từ nghề rèn, hiện ông Thông đã nghỉ làm, tập trung vào truyền nghề cho thế hệ trẻ trong làng. Hai người con trai của ông Thông đến nay cũng theo nghề cha, kế nghiệp gia đình.
Nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Cao Bằng luôn có những chính sách huy động người dân học nghề, phát triển nghề truyền thống. Hiện nay, xã Phúc Sen có 420 hộ dân/2.000 nhân khẩu, trong đó gần 160 hộ làm nghề rèn với khoảng 400 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ. Điều đặc biệt, thợ phụ chủ yếu là người trong nhà, người già hoặc phụ nữ. Mỗi năm, Phúc Sen sản xuất hàng trăm nghìn sản phẩm rèn xuất ra thị trường.
Nhờ làm nghề truyền thống, Phúc Sen đã thay đổi căn bản, lao động có việc làm, đời sống được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, Phúc Sen cũng đã và đang tham gia tích cực phong trào Xây dựng nông thôn mới. Năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở Phúc Sen là hơn 22%, đến nay chỉ còn gần 13%.
Ông Linh Văn Phù, Chủ tịch xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng cho biết: "Dân tộc Nùng chiếm trên 90% dân số nơi đây. Người dân siêng năng cần cù trong lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với nghề rèn lâu đời, người dân đã giữ được nghề truyền thống và nét đẹp văn hoá đặc sắc của dân tộc Nùng. Đến nay, Phúc Sen đã đạt 15/19 tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới".
Tuy nhiên, hiện những nghệ nhân làng rèn Phúc Sen vẫn mong mỏi Nhà nước có chính sách bảo tồn hợp lý, tổ chức nhiều hội chợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm rèn. Bên cạnh đó, người dân cần cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm… để làng rèn Phúc Sen tiếp tục tồn tại, phát triển trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.