Như bao gia đình nghèo khác ở vùng đất núi rừng huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, 2 vợ chồng anh Huỳnh Văn Tới (sinh năm 1970) và chị Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1974) cũng mưu sinh bằng nghề làm thuê cuốc mướn. Dù chăm chỉ làm ăn nhưng cái nghề bán sức kiếm cơm không đủ để 2 vợ chồng nuôi 3 đứa con nhỏ nheo nhóc.
Cuộc sống khó khăn, ăn uống kham khổ cộng với lao lực lâu ngày và bệnh tim nặng, chị Nga đã gục ngã sau khi sinh bé út là Huỳnh Trọng Phát vào cuối năm 2011. Cơn sản hậu đã khiến chị nằm liệt giường, đến đầu năm 2012, chị Nga qua đời, để lại cho người chồng trẻ 3 đứa con thơ, trong đó có 1 đứa trẻ còn đang bú sữa.
Gà trống nuôi con, anh Tới làm đủ nghề lương thiện để kiếm tiền cho con ăn học. Anh vốn ốm yếu nên thường xuyên bị bệnh vặt do làm việc quá sức. Nhưng vì là lao động tự do, không có bảo hiểm y tế nên anh hiếm khi đến bệnh viện. Những cơn đau bị anh bỏ qua tất cả để làm việc kiếm tiền nuôi con.
Chỉ đến khi anh nôn ra máu, ngất xỉu mới nhờ anh trai chở đến bệnh viện khám thử. Ngày nhập viện, bác sĩ lắc đầu vì vết viêm loét của anh đã lan hơn 2/3 diện tích dạ dày. Bác sĩ đề nghị phẫu thuật cầu may, 50/50. Nhưng khi nghe báo chi phí phẫu thuật, anh Tới lại lầm lũi lên xe nhờ anh trai chở về.
Anh Huỳnh Văn Tiến, anh trai anh Tới, kể: “Nó chết ngay sau lưng tôi. Tôi đang chở nó từ TPHCM về nhà thì thấy nó ôm cứng sau lưng mà bất động. Tôi dừng xe mới biết là nó đã chết. Đành cột xác nó sau lưng mà chở về…”.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Lai Uyên (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), cho hay: “Ngày thằng Tới mất, trong nhà chẳng còn một đồng. 3 đứa con nheo nhóc, đám tang cũng chẳng có ai lo. Thằng Tiến anh nó cũng thuộc diện nghèo, tiền đâu mà ma chay. Tôi phải chạy xuống nhà hòm xin cho nó 1 cái quan tài gỗ xấu, đến nhờ 1 nhà hảo tâm tài trợ cho chuyến xe tang, rồi vận động nhóm anh em thợ hồ làm giúp cho cái huyệt, bữa cơm ma chay thì bà con láng giềng góp tay mỗi người phụ một chút…”.
Anh Tới mất từ tháng 7/2015. Gần 5 tháng qua, 3 chị em Huỳnh Thị Huỳnh Như (sinh năm 2001, đang học lớp 9 trường THCS Lai Uyên), Huỳnh Thị Huỳnh Nhi (sinh năm 2003, đang học lớp 6 trường THCS Lai Uyên), Huỳnh Trọng Phát (sinh năm 2011, đang học trường mầm non Lai Uyên) hầu như sống nhờ tình thương của hàng xóm láng giềng và sự hỗ trợ của anh Tiến.
Anh Tiến cho biết: “Thằng Tới mất thì tôi phải gắng lo cho tụi nó thôi, nhưng cố lắm cũng chỉ cho tụi nó khỏi đói, chứ tôi bệnh tật liên miên, thân mình cũng lo không xong thì nói gì lo cho tụi nhỏ”.
Bản thân anh Tiến cũng thuộc diện nghèo, bệnh tật nhiều nên không nhà cửa, chưa lập gia đình. Ngày nào khỏe mạnh, anh làm phụ hồ kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Ngày xưa sống một mình đã vất vả, nay thêm 3 đứa nhỏ thì hầu như bế tắc. 3 chị em Huỳnh Như lại ốm yếu, hay bệnh tật như cha mẹ nên cuộc sống càng khốn khó hơn.
Anh nói: “Tôi vốn đã khó khăn sẵn nên ngày thằng Tới còn sống cũng chẳng giúp được gì cho vợ chồng nó. Nay nuôi 3 đứa nhỏ mà thu nhập bấp bênh, tiền thuốc nhiều, việc thì ngày có ngày không nên cuộc sống bọn nhỏ luôn thiếu thốn. Nhìn 3 đứa nhỏ ăn không đủ no, áo không đủ ấm mà vẫn cố gắng đi học tôi cũng xót xa lắm. Càng xót xa thì càng tủi thân mình chứ có làm được gì đâu…”.
Nghe bác kể về cha mẹ đã mất, bé Huỳnh Như rơm rớm nước mắt ngoảnh mặt đi. Còn Trọng Phát thì mũi thò lò đứng bên cạnh chị tò mò nghe mà không hiểu, thỉnh thoảng hỏi chị: “Sao ba đi bệnh viện lâu quá chưa về chị? Ba cũng như mẹ, không về luôn hả chị?”…
Sợ mình sẽ khóc, Huỳnh Như cúi mặt kéo tay em bảo: “Để chị đi bới cơm cho em ăn!”. Rồi cô bé lầm lũi đi vội xuống bếp…
Ông Nguyễn Thanh Quang nhìn theo thở dài: “Không biết nó có cố học hết được năm nay không nữa. Từ ngày ba nó mất, nó cứ im im vậy mà lo cho 2 đứa em. Anh nhìn xem, cái nhà này là nhà tình thương xây cũng gần hai chục năm rồi. Tường thấm, mái tôn lủng hết mà vợ chồng nó chưa kịp sửa đã mất, giờ còn 3 đứa nhỏ biết làm sao? Mùa này đỡ, chứ đến mùa mưa thì khổ! Mưa ở đây như trút nước chứ có thường đâu…”.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.