Chăm lo đời sống các nạn nhân chất độc da cam ở Cần Thơ

PV-Thứ tư, ngày 24/06/2020 05:31 GMT+7

VTV.vn - Từ năm 2018 đến tháng 6/2020, Hội đã vận động quyên góp được hơn 36,2 tỷ đồng làm nguồn kinh phí cho việc chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2017 – 2022; sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 59 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam và Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 10/8.

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ Võ Thị Thanh Nga cho biết, tính đến tháng 5/2020, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ có trên 5.800 người, trong đó số nạn nhân chất độc da cam là gần 4.300 người. Từ năm 2018 đến tháng 6/2020, Hội đã vận động quyên góp được hơn 36,2 tỷ đồng làm nguồn kinh phí cho việc chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. 

Hội đã xây và sửa chữa 139 căn nhà cho các nạn nhân chất độc da cam trong thành phố; hỗ trợ vốn làm ăn cho 45 gia đình nạn nhân; thực hiện chương trình Địa chỉ đỏ, hỗ trợ hàng tháng cho hơn 630 lượt nạn nhân. Đến nay, dù mới qua hơn nửa nhiệm kỳ nhưng chương trình giảm nghèo của Hội đã giúp hơn 203 hộ có nạn nhân chất độc da cam thoát nghèo, vượt 300% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.

Do không phải là một hội đặc thù, vì vậy Hội Nạn nhân chất độc da cam Cần Thơ vẫn chưa có cơ chế trả thù lao cụ thể cho các cộng tác viên. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tổ chức của Hội vẫn luôn được kiện toàn từ cấp trung ương đến cơ sở, số lượng cộng tác viên ngày càng tăng, không để xảy ra sai sót nghiêm trọng trong việc quản lý, thu chi quỹ...

Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Cần Thơ, chia sẻ: Sở dĩ công tác Hội đạt được thành tích tốt là nhờ có sự chung tay, phối hợp của nhiều nguồn lực trên thành phố trong công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị. Với những thuận lợi là có sự giúp đỡ từ phía chính quyền và xã hội, trong thời gian tới Hội cần tích cực hơn trong việc vận động các nguồn lực. Cố gắng "bằng mọi giá" để hỗ trợ được cho toàn bộ các đối tượng nạn nhân và hội viên đúng theo Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Thanh Lam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, cho biết: Quan tâm đến người có công với cách mạng, đặc biệt là người bị nhiễm chất độc da cam và gia đình của họ, là một vấn đề quan trọng cần được xã hội quan tâm. Trong thời gian tới thành phố cần đẩy mạnh hơn chương trình tuyên truyền về hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh để lại. Bên cạnh đó, thành phố cần thực hiện các biện pháp giáo dục, động viên nạn nhân vươn lên, đổi mới hoạt động hỗ trợ theo hướng tạo tiền đề vật chất để nạn nhân cùng với gia đình có thu nhập bền vững./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước