“Cứ nghe con gái gọi, em lại khóc”

Dân trí-Thứ bảy, ngày 19/04/2014 12:00 GMT+7

Cánh tay phải của anh Tùng đã phải cắt cụt, cánh tay trái và cả chân phải cũng khó giữ được

Ngay khi gặp trường hợp em Vy Văn Vượng mất một tay và hai cẳng chân vì bỏng điện cao thế, chúng tôi lại gặp thêm một trường hợp khác cũng đáng thương không kém do điện cao thế gây ra là anh Lê Thanh Tùng, hiện đã mất cánh tay phải.

Tay trái và cẳng chân phải của Tùng cũng chưa chắc giữ được, khi phần cơ và xương đã bị dòng điện phá hủy.

Tính đến hôm nay, Lê Thanh Tùng (sinh năm 1984, quê ở xã Bảo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) nằm viện tròn 1 tháng kể từ ngày bị điện cao thế giật phải khi đang lắp đặt quả cầu thông gió trên mái nhà của khách hàng. Tùng là công nhân cơ khí, vào cái ngày định mệnh khi đang thi công quả cầu thông gió, do thiếu quan sát nên Tùng bị điện giật bất tỉnh khi tấm tôn đang cầm trên tay vướng vào đường điện chạy trên mái nhà.

Anh Hoàng Anh, điều dưỡng trưởng Khoa Bỏng người lớn, Viện bỏng Quốc gia cho biết, bệnh nhân Lê Thanh Tùng nhập viện trong tình trạng bỏng điện nặng, với độ sâu từ 3 đến 5, đặc biệt ở 2 cẳng chân và 2 cánh tay đều sâu độ 4, độ 5 làm phá hủy phần xương, cơ bên trong. “Để cứu bệnh nhân, chúng tôi buộc phải cắt cánh tay phải đã bị hoại tử nặng. Chúng tôi cũng cố gắng cánh tay còn lại cùng 2 cẳng chân, tuy nhiên, cánh tay trái cũng như cẳng chân phải tiên lượng rất xấu. Thậm chí nếu có giữ được thì bệnh nhân cũng rất khó vận động trở lại như trước vì phần cơ, xương hầu như đã bị phá hủy dẫn đến tê liệt hoàn toàn”, anh Hoàng Anh nhận định.

Theo anh Hoàng Anh, tứ chi của con người có thể vận động được nhờ vào nhiều yếu tố như cơ, mao mạch, xương, tế bào thần kinh. Tuy nhiên, nếu bị dòng điện cao thể giật sẽ gây phá hủy hoàn toàn, mà giải pháp tốt nhất để cứu cho bệnh nhân có thể giữ được tính mạng là cắt bỏ các phần bị hoại tử nói trên. “Em không biết rồi đây bản thân mình, gia đình mình sẽ ra sao nữa. Em còn có vợ và 2 con nhỏ. Vợ em làm nông nghiệp, em làm công nhân nay đây mai đó mong kiếm đủ tiền để nuôi vợ, nuôi con, mà bây giờ lại trở thành phế nhân, thành gánh nặng cho gia đình”, Tùng nói mà nước mắt cứ chực trào ra.

Tùng cho chúng tôi biết, vợ của cậu vừa mới sinh con nhỏ được 5 tháng tuổi nên phải ở nhà chăm con. Con đầu của Tùng cũng chỉ mới được 5 tuổi. Một tháng nằm viện ở đây, bố và anh rể của Tùng thay nhau trông coi. Nhưng khổ tâm nhất của cậu là kinh phí điều trị cho ca bỏng điện quá lớn, trong khi hoàn cảnh gia đình đang hết sức khó khăn.

“Bố em đã phải vay mượn, bán tất cả những gì có chút giá trị trong nhà được gần trăm triệu đồng để cứu em. Em làm công nhân nên không có bảo hiểm y tế, vì vậy viện phí quá đắt đỏ. Bác sĩ bảo bỏng điện như em điều trị nhanh lắm cũng phải 3 tháng mới khỏi, nhưng với tình hình này em phải xin về nhà sớm thôi vì lấy đâu ra tiền nữa”, Tùng nói trong nỗi buồn của một người chồng, người cha bỗng nhiên trở thành gánh nặng cho chính gia đình bé nhỏ của mình.

Tùng cũng cho biết, tình cảnh thê lương mà cậu mắc phải khi một tay không còn, tay còn lại và một chân nguy cơ không giữ được không làm cậu khóc, cậu sợ hãi, nhưng cứ nghe điện thoại của vợ, của đứa con gái 5 tuổi gọi hỏi han bố là cậu chỉ biết tắt điện thoại mà khóc òa. “Con gái bảo bố ơi cố lên nhé. Con nhớ bố lắm là em chỉ biết òa ra mà khóc. Em thương vợ, thương con quá. Rồi đây vì em mà cả gia đình sẽ khổ…”, Tùng lại nấc nghẹn.

Tôi cũng không biết khuyên Tùng ra làm sao khi những gì mà cậu đang phải gánh chịu thực sự ngoài sức tưởng tượng. Một mùa xuân mới đang về, nhưng với Tùng và cái gia đình bé nhỏ ở quê nhà, có lẽ thật ảm đạm, đáng buồn…



TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước