Hỗ trợ nhà ở cho 40.000 hộ nghèo vùng bão lũ miền Trung

Theo TTXVN-Thứ bảy, ngày 27/09/2014 15:00 GMT+7

ảnh ngập lụt ở phổ cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế trong đợt lũ lụt tháng 11/2013.

Chính sách hỗ trợ này được ưu tiên đối với những hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Ngày 26/9, tại Quảng Nam, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão lụt khu vực miền Trung.

Đại diện các bộ, ngành liên quan cùng lãnh đạo của 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã tham dự hội nghị.

Theo Quyết định này, khoảng 40.000 hộ nghèo của 14 tỉnh khu vực miền Trung bị ảnh hưởng của lũ, lụt sẽ được Chính phủ hỗ trợ có nhà ở an toàn, ổn định để yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện để vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ này được ưu tiên đối với những hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn.

Về mức hỗ trợ, ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ; những hộ đang cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo quyết định số 1049/QĐ-TTg sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/hộ. Những hộ gia đình cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ 16 triệu đồng/hộ. Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện giải ngân hai lần, lần đầu là 70% và tiếp theo là 30% số vốn còn lại.

Ngoài ra, mỗi hộ gia đình thuộc diện đối tượng được hỗ trợ có nhu cầu vay vốn thì được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng sách Chính sách xã hội để xây nhà với mức lãi suất 3%/năm, thời hạn vay là 10 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm.

Thời gian trả nợ tối đa là 5 năm bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu phải là 20% tổng số vốn đã vay. Với vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được thực hiện giải ngân 100% vốn.

Cùng với khoản tiền được hỗ trợ và vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hộ gia đình có thể huy động các nguồn vốn khác từ cộng đồng để xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt để đảm bảo được quy mô và chất lượng theo quy định. Chính sách trên sẽ được thực hiện trong 3 năm (từ năm 2014-2016).

Năm 2014 thực hiện hỗ trợ khoảng 20% số đối tượng, tương đương 8.000 hộ gia đình; năm 2015 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng; năm 2016 thực hiện hỗ trợ khoảng 40% số đối tượng.

Nhằm khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo các địa phương đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo giảm nghèo của địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện chương trình; xây dựng Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng; thiết kế mẫu nhà phòng tránh bão, lụt phù hợp với điều kiện của từng vùng, tập quán sinh hoạt của người dân; tổ chức tập huấn chính sách đến từng thôn, xã thuộc vùng được thụ hưởng chính sách; kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt.

Mục tiêu của chương trình đặt ra là phải vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống thiên tai và những phần việc này không thể giải quyết ngay trong thời gian ngắn hạn bởi đòi hỏi nguồn lực kinh tế lớn, đồng thời còn phải phù hợp với phong tục tập quán và thói quen của người dân. Vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tìm giải pháp để người dân vẫn sống tại chỗ, chống lũ tại chỗ nhưng phải được đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục phát triển nhà và thị trường bất động sản cho rằng, các địa phương cần sát sao con số thống kê để đảm bảo bố trí đủ nguồn ngân sách. Năm nay, để thực hiện khối lượng hỗ trợ cho 8.000 hộ, Chính phủ đã bố trí nguồn kinh phí 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời hạn từ nay đến cuối năm còn rất ngắn để hoàn thành chỉ tiêu này, do đó, các địa phương cần sớm nghiên cứu 3 mẫu điển hình phù hợp với đặc điểm, phong tục địa quán của từng địa phương. Đặc biệt, nhà phải được làm đúng kỹ thuật mới chống được bão lũ, nhất là với các trận bão lũ lớn. Đại diện Bộ Tài Chính cho rằng, việc bình xét rất phức tạp và cần công khai, minh bạch.

Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc phát huy trách nhiệm của các cấp chính quyền, cán bộ cơ sở đối với việc hỗ trợ nhà ở là đặc biệt quan trọng. Bộ Xây dựng đề nghị lãnh đạo các địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Mỗi khi thiên tai xảy ra có rất nhiều việc phải làm, nhất là việc khắc phục hậu quả. Bởi vậy, nếu chủ động phòng ngừa thì sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, khu vực Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lụt. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai xảy ra với tần suất dày hơn, cường độ mạnh hơn, với diễn biến khó lường, không theo quy luật gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, Kinh phí dành cho công tác khắc phục hậu quả, cứu trợ sau bão lũ lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Chương trình hỗ trợ này là nhân rộng mô hình, kết quả của Chương trình thí điểm 716 của Chính phủ từ năm 2012 về giải pháp nâng cao sàn nhà ở cho người dân, với phương châm "sống chung với lũ, lụt" áp dụng tại 7 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Qua kiểm nghiệm thực tế của mùa mưa lũ vừa qua tại 700 hộ thí điểm này cho thấy người dân đã có nhà ở an toàn trong mùa bão lũ, an tâm sinh sống và lao động sản xuất, đặc biệt không bị thiệt hại về người và của.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước