"Nhắc tới bệnh nhân Lò Văn Trường, chúng tôi ai cũng xót thương, bởi em mới 18 tuổi nhưng đã phải phẫu thuật 2 lần rồi. Em lại là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thường chỉ có một mình anh trai xuống chăm sóc em. Các bác sĩ đã hội chẩn, thời gian của em không còn nhiều, em cần phải mổ gấp không thì sẽ không kịp… Lần mổ trước, bệnh viện cũng đã xin và vận động quyên góp khắp mọi nơi cho em, bởi gia cảnh của em quá khó khăn. Lần mổ sắp tới, bệnh viện đã thông báo, nhưng hiện tại gia đình em vẫn chưa có đồng nào cả…". Đó là những băn khoăn, ái ngại của chị Nguyễn Thị Thái - cán bộ phòng CTXH bệnh viện Tim Hà Nội, khi dẫn chúng tôi đi thăm bệnh nhân.
Em Lò Văn Trường (18 tuổi), mắc bệnh tim nặng.
Đã qua 2 lần phẫu thuật, nhưng bệnh tình không thuyên giảm, hiện em đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Ngồi dựa vào tường, hai tay đỡ ngực, cố gắng với những hơi thở khó nhọc, Trường cho biết em đang mệt lắm, rất khó thở và tức ngực: "Bác sĩ bảo em không mổ thì sẽ chết. Em chưa muốn chết đâu ạ. Anh trai em gọi về nhà mấy lần rồi, nhưng bố mẹ bảo đã đi khắp nơi vẫn chưa vay được đồng nào… Giờ em thấy mệt lắm… em chẳng biết làm sao cả!…", thều thào với mấy câu tiếng Kinh chưa sõi, Trường lại ho sặc sụa, rồi ôm ngực rũ xuống.
Để cứu em, các bác sĩ bệnh viện Tim Hà Nội chỉ định em phải phẫu thuật tiếp.
Chi phí cho ca phẫu thuật lên đến hơn trăm triệu đồng. Nhưng vì gia đình quá khó khăn nên vẫn chưa lo được đồng nào.
Thấy vậy, người anh ruột của Trường là Lò Văn Vũ (25 tuổi) vội vàng chạy đến, một tay vuốt ngực, một tay xoa lưng cho em trai. Được anh chăm sóc một hồi, hơi thở của Trường đều đặn hơn. Đỡ em nằm xuống, Vũ cho chúng tôi biết 2 lần trước Trường xuống Hà Nội phẫu thuật, cũng chỉ có Vũ xuống chăm sóc. Vũ bảo, bố mẹ em không nói được tiếng Kinh, ở nhà còn phải đi làm rẫy để sinh sống và chạy vay tiền cho con được mổ. Thấy em như thế này, Vũ đau lòng lắm, nhưng chẳng biết làm gì ngoài ngồi vuốt ngực cho em dễ thở hơn. Nhìn em trai bằng đôi mắt ầng ậc nước, chàng thanh niên nghẹn ngào: "Nhìn em em thế này em sợ lắm, nhưng bố mẹ bảo chưa vay được tiền…".
Vì gia đình khó khăn, bố mẹ lại không nói được tiếng Kinh, nên chỉ có người anh trai Lò Văn Vũ chăm sóc em.
Ánh mắt lo âu hiện rõ trên gương mặt người anh trai Lò Văn Vũ, trước tình cảnh "thập tử nhất sinh" của em trai.
Trăn trở và đầy lo lắng cho bệnh nhân, bác sĩ Trần Thị An là bác sĩ trực tiếp điều trị cho Trường, chia sẻ: "Bệnh nhân Lò Văn Trường bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng tổn thương van động mạch chủ (Osles van ĐMC), đã phẫu thuật thay van động mạch cơ học tháng 11/2016. Sau đó lại bị nhiễm trùng tái phát, áp xe quanh van gây bung van động mạch cơ học, phải phẫu thuật lại vào tháng 3/2017, sau lần đó phải điều trị kháng sinh 3 tháng trong bệnh viện. Đến tháng 9/2017 bệnh nhân lại bị sốt, khi vào viện phát hiện van bị hở nhiều liên quan đến tình trạng nhiễm trùng. Sau hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa, quyết định bệnh nhân cần phải thay van động mạch chủ mới, dùng van đồng loài (homograft) với chi phí khoảng 100 triệu chưa tính chi phí hậu phẫu, mới cứu được tính mạng. Đây là một tiền quá lớn so với hoàn cảnh gia đình bệnh nhân là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nên phía khoa cũng nhờ bên phòng phòng Công tác xã hội bệnh viện kêu gọi, tìm nguồn giúp bệnh nhân…".
Ánh mắt buồn thảm đầy ám ảnh của cậu thanh niên dân tộc Thái, khi nghĩ đến tương lai u ám của mình…
Trường vẫn có cơ hội được sống, nếu được phẫu thuật tiếp.
Các cơn đau ngực đến dồn dập, khiến Trường mặt mũi tím tái, 2 tay ôm ngực ho không dứt. Ôm chặt em trai, Vũ hốt hoảng kêu thất thanh: "Em con sắp chết rồi, ai cứu em con với…!". Rồi là tiếng những bước chân thình thịch, khẩn trương vội vã của các y, bác sĩ. Được cấp cứu kịp thời, Trường đã qua được cơn nguy kịch. Nhìn vào đôi mắt mệt mỏi, đờ đẫn của em, tôi không khỏi lo sợ. Nếu không được mổ tiếp, không biết em sẽ trụ được bao lâu nữa, Trường ơi!?