Trước ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, từ lúc 21h ngày 30/9 đến 3h sáng 1/10, xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu đã lần lượt mở 5 cửa tràn xả lũ với lưu lượng 1.500m3/s để đảm bảo an toàn cho hồ chứa. Nằm sát ngay hồ Vực Mấu - xã Quỳnh Trang là địa phương đầu tiên chịu ảnh hưởng của đợt xả lũ này. Khoảng 22h ngày 30/9, mưa lớn xuất hiện trên diện rộng đã làm toàn bộ hệ thống điện lưới tại địa bàn xã Quỳnh Trang bị tê liệt.
Giữa đêm đen, mưa lớn, hơn 100 cán bộ, chiến sỹ của xã Quỳnh Trang và lực lượng công an, quân sự TX Hoàng Mai đã có mặt để sơ tán người dân, tài sản lên nơi an toàn. Do mực nước dâng lên quá nhanh, nhiều người dân chỉ kịp chạy thoát thân chứ không mang tài sản theo. Đến chiều ngày 1/10, đã có 8/13 xóm của Quỳnh Trang đã bị nhấn chìm trong biển nước. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nước ngập sâu lên tới nóc nhà. Tại trụ sở UBND xã Quỳnh Trang, hàng chục người dân trong đó có người già, trẻ nhỏ được sơ tán an toàn đang đứng thấp thỏm nhìn ra biển nước mênh mông. Nhiều người mệt mỏi, ủ rũ sau một đêm chạy lũ và nhịn đói.
Bà Trương Thị Miện (56 tuổi, xóm 4, xã Quỳnh Trang) ngồi co ro trong tấm áo mưa mỏng tanh, ôm lấy đứa cháu gái nhỏ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút nước lũ ập đến căn nhà cấp 4 của mình trong đêm tối. Bà kể: “Lúc đó khoảng 3h sáng tôi đang ngủ thì thấy mọi người trong làng hò hét, sơ tán đồ lên khu vực cao để tránh lũ. Tôi cứ tưởng nước lên chậm nên chỉ đưa mấy bao lúa lên gác ở sập. Một lúc sau thì nước từ ngoài tống vào nhà, tôi chỉ kịp hò mấy đứa nhỏ chạy lên núi...”.
‘ "Lũ lên nhanh quá, trôi hết cả rồi..." - bà Trương Thị Miện (56 tuổi, xóm 4, xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai) nói trong nước mắt
Gia đình bà Miện có 6 người con thì 4 đứa lớn lập gia đình ra ở riêng, 2 người con khác đi vào Nam kiếm sống để lại cho ông bà 4 đứa cháu nhỏ. Hai tháng trước, chồng bà Miện sang Trung Quốc làm ăn, hàng tháng vẫn tích góp gửi ít tiền cho bà nuôi cháu. Hai ngày trước, bà Miện đang nằm viện thì nghe tin bão về. “Tôi sốt ruột nên xin bác sỹ về nhà để xem các cháu ở nhà tránh bão, lũ như thế nào vì hàng năm ở vùng này thường ngập lụt nhỏ khi hồ xả lũ. Thế mà, bây giờ lũ lên nhanh quá, trôi hết cả rồi...”, bà Miện nói trong nước mắt.
Lúc lũ đến, bà Miện chỉ kịp vơ vội vài bộ quần áo rồi cùng mọi người chạy lên chỗ cao tránh lũ. Toàn bộ tài sản của bà gồm 9 con lợn, hơn 1 tấn gạo, ngô vừa thu hoạch cùng nhiều đồ đạc, sách vở của mấy đứa nhỏ đều bị chìm sâu trong nước. Theo bà Miện, đây là trận lũ lịch sử lớn nhất trong cuộc đời mà bà chứng kiến. Điều làm bà Miện lo lắng nhất lúc này là chỉ sợ căn nhà bị đổ sập bất cứ lúc nào. “Nước ngâm nhà tôi hơn 1 ngày trời rồi các anh à. Nhà tôi xây lâu lắm rồi, bị mục nát... Tôi chỉ sợ nó sập thì bà cháu tôi biết sống ở đâu?”, bà Miện lo âu.
‘ Gia đình chị Lê Thị Phương sơ tán tại trụ sở UBND xã Quỳnh Trang
Nằm kế bên bà Miện, gia đình chị Lê Thị Phương (28 tuổi) gồm vợ, chồng, 3 đứa con cũng tạm trú tại trụ sở ủy ban xã từ rạng sáng 1/10 khi nước lũ lên. Dưới ánh đèn nến le lói, chị Phương dùng chiếc quạt nan quạt cho đứa con út đang thiu thiu ngủ. Chị Phương kể lại: “Gia đình tôi nằm ở vùng thấp của xóm. Vào khoảng 8h sáng nay, nước lũ từ trên hồ thủy lợi xả xuống rất nhanh. Tôi chỉ kịp bế con chạy lên cao, còn chồng thì dắt con bò ra khỏi chuồng thì nước ập đến...”.
Hơn 20 phút sau, nước đã dâng lên ngập gần nóc nhà chị Phương. Lúa và ngô mà anh chị vừa mới thu hoạch xong phơi được một nắng để ngoài hiên bị nước cuốn trôi. Nhìn cảnh đó, vợ chồng chị Phương khóc không thành tiếng! “Xót lắm chú à. Vợ chồng tôi lấy nhau được hơn 10 năm nay tích cóp được ít tài sản thì bị lũ cuốn trôi sạch cả rồi. Không biết khi nước rút thì có vớt vát được lại cái gì không...”, chị Phương nói.
‘ Giấc ngủ chập chờn trong đêm lũ
Trưa 1/10, người dân sơ tán lũ đã được người dân xung quanh nấu mỳ tôm, cơm để ăn chống đói. Toàn bộ bàn ghế trong trụ sở ủy ban xã được kê sát lại với nhau thành giường ngủ cho người dân sơ tán lũ. Người may mắn thì có chiếc chăn mỏng còn không thì nằm co ro trong giá lạnh. Chỉ có những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa trong ngày bão lũ, còn những người lớn thì chỉ mong trời sáng, nước rút. Ngay trong đêm 1/10, ban phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai đã dùng thuyền đưa mỳ tôm đến cho 170 hộ dân tại xóm 5 đang bị cô lập.
Trao đổi với phóng viên, ông Đậu Minh Công - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đưa lương thực vào vùng bị cô lập để cứu trợ khẩn cấp cho người dân, để người dân không phải chịu cảnh đói, khát và lạnh. Nếu sáng ngày mai không mưa, nước rút thì mới có thể tiếp cận được các hộ dân bị cô lập”.
Theo báo cáo nhanh của UBND thị xã Hoàng Mai, đến 18h ngày 1/10, toàn thị xã có khoảng 20 ngàn hộ dân bị ngập, trong đó có 600 hộ phải di dời, 20 hộ đang trong tình thế nguy hiểm, phải di dời khẩn cấp trong đêm. Tình trạng ngập sâu vẫn đang xảy ra tại các xã vùng thượng lưu như Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Tân và các xã vùng hạ du như Quỳnh Trang, Quỳnh Vinh, Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Mai Hùng, Quỳnh Phương và các phường trung tâm như Quỳnh Xuân, Quỳnh Thiện…
‘ Người dân tại xã Quỳnh Trang, TX Hoàng Mai đang rất cần sự cứu trợ, cứu nạn
Trong buổi sáng và chiều 1/10, UBND thị xã Hoàng Mai đã huy động 12 xuồng đi đến các khu vực ngập sâu để sơ tán 600 hộ dân ở vùng đặc biệt nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đêm 1/10, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại thị xã Hoàng Mai, quyết định thành lập Ban chỉ huy tiền phương cứu nạn đồng thời bàn phương án cứu dân bị ngập lũ. UBND tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ khẩn cấp cho TX Hoàng Mai 100 tấn mì tôm, 100 thùng nước lọc... để phát cho người dân.