Phong trào hiến giác mạc mang ánh sáng cho nhiều người khiếm thị

PV (Theo TTXVN)-Thứ tư, ngày 23/09/2020 06:11 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Thời gian qua, phong trào hiến giác mạc tại tỉnh Ninh Bình lan tỏa rộng rãi, góp phần mang ánh sáng trở lại cho nhiều người khiếm thị.

Tại Ninh Bình, đã có nhiều câu chuyện tưởng như chỉ có trong mơ được viết lên giữa đời thường. Đó là trường hợp của chị Tô Thị Thắm, xóm 1, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Chị Thắm có hai lần được ghép giác mạc miễn phí thành công, được nhìn rõ như những người bình thường khác.

Trong ngôi nhà mới được xây dựng khang trang, tiếp đón Đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tới thăm hỏi sau khi được chữa lành đôi mắt, chị Thắm không giấu được xúc động cho biết, mọi chuyện đến với chị tưởng như một giấc mơ, khi chị từ một người khiếm thị giờ đây đã có đôi mắt sáng. Nghe chị kể về cuộc đời của mình, chúng tôi mới cảm nhận được hết những nỗ lực của chị trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, những nỗ lực vươn lên cùng hy vọng không bao giờ tắt.

Chị Tô Thị Thắm vốn nhanh nhẹn, hoạt bát, hay nói, hay cười và luôn lạc quan, yêu đời. Tuy nhiên, ít ai biết được, chị đã trải qua một tuổi thơ buồn tẻ, chán chường khi mọi vật đối với chị chỉ là những thứ mờ mờ, ảo ảo do đôi mắt ngày một kém đi. Chị Thắm cho biết, ngày còn nhỏ, mắt chị bình thường, nhưng đến năm học lớp 7 mắt cứ bị mờ dần đi, đầu năm lớp 8 thì phải nghỉ học giữa chừng do không nhìn rõ. Một mắt chỉ nhìn được trong khoảng cách 50 cm, mắt còn lại cũng không khá hơn là bao. Mọi giấc mơ như khép lại đối với một cô gái đang ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người.

Với hy vọng chữa lành mắt cho con gái, bố mẹ chị đã nhiều lần cất công đưa chị lên những bệnh viện mắt tốt nhất của Trung ương để khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ kết luận chị bị viêm giác mạc chóp - một loại bệnh về mắt hiếm gặp thời điểm đó, đòi hỏi phải kiên trì kết hợp nhiều biện pháp điều trị. Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Thắm cũng không có điều kiện để điều trị. Cuộc sống cứ lặng lẽ, âm thầm trôi qua, do đôi mắt mờ nên chị Thắm không có công việc ổn định, chỉ loanh quanh phụ giúp việc nhà và làm việc đồng áng đơn giản. Đến năm 2008, khi vừa tròn 20 tuổi, chị kết duyên cùng anh Nguyễn Trọng Hùng, là người địa phương. Thương vợ chịu nhiều thiệt thòi, anh Hùng chỉ muốn chị ở nhà làm việc nội trợ gia đình, chăm sóc con cái và để dành tiền chữa mắt cho chị.

Khi có với nhau hai cháu trai kháu khỉnh, cuộc sống đỡ vất vả hơn, anh chị tính đến việc đi khám và chữa mắt. Một trong những lần đi khám cách đây 6 năm, cơ hội đã đến với chị Thắm khi bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Trung ương động viên chị đăng ký nhận giác mạc thông qua các chương trình từ thiện. Tuy nhiên, để có giác mạc phù hợp giữa người hiến và người ghép không hề đơn giản, phụ thuộc vào nguyện vọng của gia đình người hiến giác mạc.

Chị Thắm cho biết, đến cuối năm 2019, niềm vui đến khi Bệnh viện Mắt Trung ương thông báo là có giác mạc phù hợp với chị. Liền sau đó, chiếc giác mạc đầu tiên được ghép cho mắt phải của chị vào tháng 10/2019. Giác mạc được ghép phù hợp với người nhận đã mang lại dấu hiệu tích cực khi bên mắt được ghép của chị nhìn mọi vật ngày một rõ hơn, nhìn được xa hơn. Sau đó gần một năm, đến tháng 8/2020, chị tiếp tục được ghép giác mạc bên mắt còn lại. Đến nay, sau gần một tháng, ca tiểu phẫu thành công, đôi mắt của chị đã dần trở lại bình thường.

Chị Thắm cho biết: "Khi nhận được hai mảnh ghép của hai gia đình đã hiến giác mạc cho mình, tôi rất hạnh phúc và rất cảm ơn hai gia đình đã tạo điều kiện để tôi tìm lại được ánh sáng. Cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường. May mắn hơn nữa, tôi đã được nhận vào làm việc tại công ty may gần nhà, có thể kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Sau gần 20 năm mới tìm lại được ánh sáng, tôi mừng lắm. Tôi thầm hứa với bản thân và chia sẻ với mọi người trong gia đình, sau này mọi người trong gia đình đều sẽ tình nguyện hiến giác mạc để những người kém may mắn tìm lại được ánh sáng và sự sống". Chị còn tự hào cho biết, vừa qua vợ chồng chị đã dành dụm xây được căn nhà mái bằng khang trang với tổng kinh phí trên 500 triệu đồng.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình phấn khởi cho biết: Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến mô tạng nói chung, trong đó có hiến giác mạc nói riêng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được 380 người hiến giác mạc và 2 người hiến mô tạng, phong trào hiến giác mạc phát triển đều tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Kết quả đó có được là nhờ sự nỗ lực tích cực của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên; trong đó được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Chữ thập đỏ với các tổ chức đoàn thể, các tổ chức tôn giáo đã bám sát, chia sẻ động viên những người không may ốm đau. Hội đã vận động tình nguyện đăng ký hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho người bị mù lòa và đem lại cơ hội, hồi sinh sự sống cho rất nhiều người.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình còn cho biết, trường hợp của chị Tô Thị Thắm được coi là một người mù "may mắn nhất tỉnh Ninh Bình". Được nhận hai giác mạc của hai người khác nhau, đến nay mắt của chị Thắm đạt 5/10, trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường và tham gia sản xuất ở công ty may.

Tiếp nối truyền thống, kết quả phong trào vận động hiến mô tạng, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình tiếp tục tập trung tuyên truyền vận động nhân dân tình nguyện đăng ký hiến mô tạng, trong đó cán bộ các cấp Hội là người tiên phong đi đầu trong vận động, bản thân cán bộ Hội đăng ký sau đó vận động những người thân xung quanh gia đình mình tình nguyện đăng ký; tuyên truyền tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội hiểu sâu rộng và kỹ hơn về ý nghĩa, mục đích của công tác tuyên truyền, vận động hiến mô tạng; làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo nhằm kịp thời chia sẻ, động viên những người không may mắn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước