Các tổ chức thiện nguyện khắp cả nước chuyển hàng cứu trợ đến cho người dân vùng lũ tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: TTXVN)
Với tinh thần tương thân tương ái, những ngày qua, có không ít đoàn từ thiện đã về miền Trung để giúp đỡ bà con nơi đây vượt qua đợt lũ lịch sử. Nhiều nghệ sĩ Việt cũng không đứng ngoài cuộc, họ đã và đang dùng sức ảnh hưởng của bản thân để kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng nhằm ủng hộ người dân miền Trung. Mọi hành động của các nghệ sĩ trong những ngày qua đều xuất phát từ tinh thần yêu thương, sự quan tâm và lòng trắc ẩn dành cho đồng bào. Thế nhưng, một bộ phận cư dân mạng lại biến những hành động tốt đẹp này thành "cuộc đua từ thiện" và cho rằng, cứ người giàu, người của công chúng là phải từ thiện thật nhiều tiền. Đây thực sự là một góc nhìn không đúng.
Lấy ví dụ như NSƯT Hoài Linh là một trong những nghệ sĩ chung tay giúp đỡ người dân miền Trung nhưng lại bị một bộ phận cư dân mạng đem ra so sánh với các nghệ sĩ khác.
Một người dùng MXH cho rằng việc từ thiện của các nghệ sĩ giống như những “cuộc đua top”
Trước ý kiến đem chuyện làm từ thiện ra so sánh, nghệ sĩ Hoài Linh đã lập tức lên tiếng đáp trả thẳng thắn: "Được vậy thì tốt quá. Top gì chứ từ thiện mà tính top thì ai cũng muốn và ai cũng vào top được".
Trước đó, Hoa hậu H'Hen Niê đã phải bật khóc vì sự chỉ trích vô căn cứ khi nàng hậu quyên góp 50 triệu đồng cho miền Trung. "Các anh hùng bàn phím" ngay lập tức cho rằng cô keo kiệt và số tiền 50 triệu đồng còn quá ít so với vị trí một Hoa hậu nổi tiếng.
Đáp lại sự công kích này, H'Hen Niê bày tỏ: "Thật sự đọc xong tổn thương lắm, khi bạn hết lòng mà lại bị nói như vậy. Với bạn thì ít, nhưng với một người nuôi cả gia đình thì nhiều. Đôi lúc thấy chẳng sắm sửa gì cho gia đình, nhưng mẹ muốn mình chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn, bảo giúp gia đình từ từ. Bạn nói thế làm mình bị tổn thương vô cùng. Không phải dư dả là mới cho, mà cho khi mình không có nhiều. Mình cũng chỉ là con người. Các bạn làm tổn thương thì mình khóc chứ không cấm các bạn được. Nhưng các bạn làm thế chỉ khiến mình cảm thấy muốn làm gì cũng sợ dư luận. Vậy mình còn làm gì được nữa đây?..."
Hoa hậu H'Hen Niê đã bật khóc khi bị một số người chỉ trích vì “từ thiện quá ít”
Qua đó để thấy, có một số người dùng MXH ở Việt Nam thích áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên người khác. Có vẻ như, nhiều người đang cố tình không hiểu rằng từ thiện là một việc làm tốt đẹp đến từ tâm và bất kỳ ai cũng có thể thực hiện. Giá trị của việc làm từ thiện không phải chỉ ở số tiền quyên góp.
Như mới đây, Công ty cổ phần Mart24h (doanh nghiệp phân phối độc quyền sản phẩm giấy giặt Han Jang tại Việt Nam) đã ký kết với Quỹ từ thiện "Hành trình kết nối yêu thương" để cam kết trích 20% doanh thu mỗi tháng vào quỹ để hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Đại diện doanh nghiệp này cho chia sẻ, đây là một hành động "gom những hạt cát nhỏ thành sa mạc" bởi theo tính toán, mỗi lần sử dụng, người tiêu dùng đã đóng góp thêm 1.000đ vào quỹ để giúp đỡ các trẻ em khó khăn.
Hay như tháng 8 vừa qua, hình ảnh cậu bé Hồ Ánh Khiết (8 tuổi, người đồng bào Ca Dong, ở xã Trà Tập, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đi bộ chân đất hơn 30 phút, vác khúc măng rừng, tay ôm xấp lá gói rau góp về Đà Nẵng chống dịch COVID-19 đã khiến dư luận phải trầm trồ trước tấm lòng của em.
Bất kỳ một tấm lòng sẻ chia nào cũng đều đáng được trân trọng và lan tỏa
Vậy nên đừng so đo, xét nét để rồi cả người cho tấm lòng đi lẫn người nhận đều mất vui; mất ý nghĩa của tình tương thân tương ái, của hai chữ "đồng bào".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!