Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Cổng ĐT chính phủ
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Với tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… trong hai năm 2011-2012, “Chương trình giảm nghèo” đã góp phần vào việc giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% vào cuối năm ngoái (nhanh hơn so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Chương trình Quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương nhất quán, là mục tiêu làm kiên trì, liên tục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên khi kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là các khu vực miền núi phía Bắc và Tây nguyên, ở nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi tỷ lệ này còn ở mức 60-70%, cần phải rút kinh nghiệm để đưa ra các giải pháp giảm nghèo hiệu quả hơn.
Để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 7,6% và vào cuối năm 2015 giảm xuống còn 5% (theo chuẩn nghèo hiện hành), Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan cần sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ mới theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm: các hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để giải quyết giảm nghèo bền vững và hạn chế tình trạng tái nghèo.
Các mức hỗ trợ được thực hiện theo từng nhóm đối tượng với các mức ưu đãi khác nhau. Trong công tác xóa nghèo cần ưu tiên tạo việc làm gắn với xây dựng nông thôn mới. Về đề xuất tăng kinh phí hỗ trợ để giảm nghèo, Phó Thủ tướng cho rằng, các Bộ, ngành đang rà soát để tìm kiếm các nguồn vốn ngoài ngân sách. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, công tác dạy nghề hiện nay chưa gắn với công việc tại chỗ, cần xem xét để có sự điều chỉnh thích hợp nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người nghèo.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã kiến nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ xây nhà cho người nghèo từ ngân sách nhà nước lên 10 triệu đồng/hộ, hỗ trợ nhà cho người nghèo ở các xã khó khăn là 12 triệu đồng/hộ và nâng mức hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn lên mức 14 triệu đồng/hộ.
Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, "Nhà ở cho người nghèo" theo tiêu chí "3 cứng" (cứng nền, cứng tường và mái nhà) mà Bộ Xây dựng đề xuất là không thích hợp vì mỗi dân tộc có tập quán sinh hoạt khác nhau, sắp tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình Quốc hội đưa vấn đề giảm nghèo vào chương trình giám sát trong năm 2014.