"Vua bãi vàng" và câu chuyện cổ tích đời có hậu… (kỳ 1)

Nguyễn Văn Quân-Thứ ba, ngày 13/05/2014 09:23 GMT+7

Từng một thời đứng bên bờ tuyệt vọng khi cuộc đời dính chặt với ma túy và thuốc phiện. Nhưng rồi bằng nghị lực, người đàn ông ấy đã vượt lên hoàn cảnh, xây dựng lại cuộc đời. Đó là câu chuyện của Trần Hưu (Văn Yên, Yên Bái).

Một đêm đầu mùa hạ, khi mà những làn mưa mỏng ôm choàng lên cả thị trấn Mậu A. Một thị trấn miền núi heo hút của huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái. Và lút thút lạnh. Gã bảo không hiểu sao trong một thời khắc như thế này, gã lại có nhu cầu tự sự với một ai đó như vậy. Lâu lắm rồi, quãng đời đã qua của gã, thời gian đã phủ bụi nhưng ký ức thì vẫn tươi nguyên như mới còn đâu đó. Và trong cái lạnh giao mùa nơi núi rừng Tây Bắc, những lời buồn trong ánh lửa đêm của người đàn ông mới quen dẫn dụ tôi bước vào phần đời của một thân phận. Giông bão và bầm dập, tuyệt vọng và hoài nghi... nhưng ẩn hiện đâu đó vẫn là Đức tin về một ngày mai đang đến…

‘ Trần Hưu không quên những ngày tháng hãi hùng

Thơ ấu buồn

Thực ra ngay từ ban chiều, vừa đặt chân tới thị trấn Mậu A, hỏi Trần Văn Hưu không ai không biết. Quá khứ của anh người ta không hiểu nhiều, nhưng bây giờ, ngay tại thị trấn Mậu A này, chuyện làm ăn, việc đối nhân xử thế của hai vợ chồng thì ai cũng tỏ tường. Người ta gọi anh với cái tên giản dị: “Hưu thợ may”. Đêm hình như đã khuya lắm. Tôi chỉ đoán định được vậy bởi trong cái không gian ảm đạm và buồn nơi thị trấn huyện lị miền núi này cảm giác thời gian trôi rất khẽ. Cho thêm vài que củi vào bếp lửa đang liu riu cháy trong bếp, vợ và hai đứa con đã ngủ say trên nhà trên, bỗng nhiên Hưu bảo quãng đời đã qua anh muốn chôn chặt. Không bao giờ muốn nhớ đến nữa. Nó hãi hùng và ghê gớm quá. Đôi khi anh không muốn tin là sự thật. Nhưng rồi lại nghĩ, con người ta chẳng ai chối bỏ được quá khứ, và hôm nay khi người khách lạ là tôi dừng bước tại chốn này, Hưu coi như một duyên nợ trong đời. Những lời anh kể, những mảnh vụn của ký ức có thể lộn xộn, có thể không trôi chảy nhưng đó là những lời gan ruột.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em trên mảnh đất ven biển Giao Xuân, Giao Thủy của tỉnh Nam Định. Hưu là thứ tư trong năm anh em trai. Bố là thương binh kháng chiến chống Pháp. Ra quân, ông về làng, xoay xở xở ruộng vườn mấy năm rồi ông chuyển hẳn sang làm nghề thợ may. Nói là làm thợ may nhưng trong một vùng quê nghèo như thời ấy thì kinh tế gia đình cũng chẳng khá gì hơn làng xóm. Anh em khoai sắn lớn lên và cũng như nhiều thanh niên làng ngày ấy, mấy người anh của Hưu đều lần lượt nhập ngũ. Riêng Hưu đi học và học rất giỏi.

Một đêm mùa đông, khi đang lui cui nhóm lửa trong bếp, mẹ bỗng nhiên hỏi anh lớn lên muốn làm gì. Anh bảo phải vào đại học, chứ sống thế này mãi thì khổ lắm. Nhìn được niềm vui và ân cần trong mắt mẹ, Hưu coi lời nói đó như một món nợ với bậc sinh thành. Anh gửi hồ sơ vào trường kinh tế. Anh muốn làm kinh tế bằng sức lực và trí tuệ của mình. Thi đại học xong, thời gian đang chờ kết quả thì anh thấy tên mình trong danh sách đi nghĩa vụ bộ đội. Không nghĩ ngợi nhiều, Hưu khoác ba lô tạm biệt quê nhà, tạm biệt mẹ với một ý nghĩ, việc học là việc cả đời, có thể không phải bây giờ nhưng mình sẽ đi học lại.

‘ Hiện giờ anh là một thợ may có tiếng ở Yên Bái

Một thời gian sau, ông chú ruột, em trai bố trong dịp lên thăm đơn vị trên Hà Bắc đã bảo: “Cháu trúng đại học rồi”. Nhưng trường được gọi lại là Mỏ địa chất chứ không phải kinh tế như dự định ban đầu. Hưu nhập trường trong niềm vui không trọn vẹn. Những kiến thức về mỏ, quặng, địa chất... không cuốn hút anh được. Ở Đại học một năm Hưu quyết định… về quê. Cả nhà hốt hoảng. Mẹ cha ngỡ ngàng, hàng xóm thắc mắc. Hưu bảo: “Con về ôn tiếp trường kinh tế. Đó mới là mơ ước của con. Bố mẹ cho con nuôi một đàn vịt. Con vừa chăn vịt kiếm tiền vừa ôn thi.” Mẹ đồng ý. Không hiểu sao bà đồng ý để rồi trong những buổi chiều buồn chăn vịt trên những cánh đồng Giao Xuân và cho đến sau này, ánh mắt của mẹ khi đồng ý cho quyết định ấy cứ mãi bên anh như một ám ảnh.

Hồi đó Giao Thủy có phong trào thanh niên đi đào vàng. Nhiều người đi. Lớp này chưa về lớp khác đã ra đi. Cũng có nhiều nhà giàu lên nhờ đào vàng. Đứa bạn hàng xóm bảo: “Mày lên đấy đi. Kiếm được nhiều tiền chỉ trong một thời gian ngắn thôi. Không kiếm được, một vài ngày lại quay về ôn thi tiếp.” Vậy là anh đi. Sự quyết định ấy nhanh và kỳ lạ đến mức anh không thể lý giải. Từ giã sách bút, từ giã bố mẹ và quê nhà, Hưu dấn thân lên vùng đất Văn Bàn, một huyện heo hút của tỉnh biên giới Lào Cai. Từ đây cuộc đời bước vào một giai đoạn mới. Mà bây giờ, mỗi khi chạm vào quá khứ, hồi tưởng về những ngày buồn ấy, anh không khỏi hãi hùng

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước