Tuần qua, sự kiện kinh tế quốc tế được quan tâm hàng đầu trên các mặt báo là câu chuyện về án phạt kỷ lục lên tới 14,5 tỷ USD mà Apple bị Liên minh châu Âu áp đặt do hành vi trốn thuế.
Bản hồ sơ dài 130 trang của Ủy ban châu Âu đã đưa ra những cáo buộc chi tiết về hành vi trốn thuế của Apple. Đây là kết quả của các cuộc điều tra kéo dài 3 năm xuất phát từ những thông tin ban đầu cho thấy, Chính phủ Cộng hòa Ireland đã dành cho Apple nhiều đặc quyền mà các công ty khác không được hưởng.
Quan điểm của Ủy ban châu Âu là lợi nhuận thu được từ nước nào thì phải đóng thuế cho nước đó. Apple bán điện thoại, máy tính và dịch vụ trên khắp lãnh thổ châu Âu, nhưng lại khai báo thuế tại Irlande để đóng thuế ít. Irlande bị phạt vì đã dùng mức thuế thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, làm cho các nước khác bị thiệt hại nặng nề.
Mức thuế doanh nghiệp trung bình ở châu Âu là 23%, Irlande cho Apple hưởng mức 0,005%. Như vậy, cứ 1 đồng thuế mà Irlande thu thêm được của Apple, thì các nước châu Âu khác thất thu 4.600 đồng. Như vậy, chính sách của Irlande gây thiệt hại lớn cho châu Âu.
Ngay sau khi có phán quyết của tòa, phía Apple đã đưa ra tuyên bố chính thức của mình để phản đối bản án này. Trong bức thư được đăng trên trang mạng của Apple với tựa đề "Gửi đến cộng đồng Apple ở châu Âu", Giám đốc điều hành Tim Cook cho rằng, quyết định của Ủy ban châu Âu là "chưa từng có" và sẽ "tác động nghiêm trọng trên diện rộng".
"Ủy ban châu Âu đã nỗ lực viết lại lịch sử Apple ở châu Âu, bỏ qua luật thuế của Ireland và làm đảo lộn hệ thống thuế quốc tế. Việc làm của Ủy ban không phải là quan tâm đến việc Apple đóng thuế bao nhiêu, mà chỉ nhắm đến việc chính phủ nào sẽ thu tiền. Điều này sẽ tác động rất tiêu cực đến đầu tư và việc làm tại châu Âu"- Ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple nói.
Lý lẽ này của Apple cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia.
Ông Jasper Lawler, Nhà phân tích thị trường của CMC cho rằng: "Chưa chắc là Apple đã làm gì sai, vì họ làm đúng các quy định thuế của Ireland. Nên nếu có ai sai, thì đó là Ireland chứ không phải Apple. Tôi nghĩ là EC đang hành xử quá cứng rắn, như kiểu một siêu cơ quan thuế đa quốc gia vậy, và quyết định này sẽ tạo ra một tiền lệ bất lợi cho việc kinh doanh ở châu Âu. Đặc biệt là khi hiệp định thương mại Âu-Mỹ đang có nguy cơ đổ vỡ".
"Đó hẳn là một bước đi có tính toán của lãnh đạo các nước EU, khi mang tâm lý rằng các công ty công nghệ lớn không thể nào từ bỏ thị trường béo bở tại châu Âu. Do đó, theo tôi, nếu các doanh nghiệp muốn đầu tư hay phát triển, thì tốt hơn cả là họ nên tìm đến châu Á, Mỹ hay các quốc gia châu Âu khác nằm ngoài liên minh EU" - ông Euan Rellie, Giám đốc cấp cao của BDA PARTNERS phân tích.
Trước nguy cơ cơ quan chống độc quyền của EU tiếp tục nhắm vào các công ty đa quốc gia khác của Mỹ như Amazon, Mc Donald, Starbucks hay Google, Bộ Tài chính Mỹ đã lên tiếng cảnh báo sẽ có những phản ứng phù hợp.
Trong văn bản kiến nghị, phía Mỹ cho rằng, hành động của EU đã đe dọa tinh thần hợp tác kinh tế song phương, ảnh hưởng xấu tới đầu tư nước ngoài cũng như môi trường kinh doanh tại châu Âu, và tạo ra "một tiền lệ đáng tiếc về thuế trên toàn thế giới".
Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc chiến pháp lý sắp tới không chỉ diễn ra giữa Apple và Liên minh châu Âu EU, mà sẽ là giữa Mỹ và EU. Liệu một cuộc chiến thương mại giữa hai đồng minh thân cận bấy lâu này, có bị châm ngòi sau phán quyết này? Có lẽ thời gian sẽ trả lời rõ nhất. Nhưng với động thái mạnh tay từ Liên minh châu Âu, có thể thấy rõ thông điệp về quyết tâm tuyên chiến với các tập đoàn đa quốc gia lớn trốn thuế và là một cảnh báo cho các nước đang cố tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng và thiếu minh bạch tại châu Âu nói riêng và thương mại toàn cầu nói chung.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!