FED tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau 7 năm
Lần đầu tiên sau 7 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0% lên 0,25% điểm cơ bản. Dù lãi suất FED quy định là lãi suất mà các ngân hàng Mỹ thanh toán cho nhau thông qua các khoản vay qua đêm, nhưng nó lại đặt cơ sở cho đà tăng của lãi suất dài hạn trên khắp hệ thống tài chính toàn cầu. Ngay sau tuyên bố nâng lãi suất này, đồng USD tiếp tục tăng giá, gây sức ép lên giá dầu và giá vàng.
Chủ tịch FED Janet Yellen. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ
Ngày 11/8, Trung Quốc chính thức tuyên bố phá giá đồng Nhân dân tệ. Nguyên nhân của việc phá giá bất ngờ này được Chính phủ Trung Quốc lý giải là do cần thả lỏng đồng nội tệ để tiến tới tự do hóa và phục hồi xuất khẩu. Chỉ sau đó nửa tháng, thị trường tài chính quốc tế tiếp tục đón nhận đợt sóng tiếp theo khi hơn 800 mã cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải giảm kịch trần biên độ 10% khiến chỉ số Shanghai Composite lao xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Sự kiện “Ngày thứ Hai đen tối” đã lan rộng toàn cầu khi sắc đỏ bao trùm hầu hết các thị trường chứng khoán lớn tại Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp
Năm 2015 đã chứng kiến sự vực dậy của Hy Lạp sau cuộc khủng hoảng nợ công. Cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 7 liên quan đến việc có hay không tiếp tục chính sách "thắt lưng buộc bụng" đã khiến cả châu Âu bừng tỉnh khi 61% người dân Hy lạp đã bỏ phiếu chống lại chính sách này. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, Thủ tướng Hy Lap Alexis Tsipras lại bất ngờ chấp nhận lời đề nghị của EU rằng Hy Lạp sẽ tiếp tục "thắt lưng buộc bụng" và ông Tsipras sẽ phải từ chức. Kịch bản của ông Tsipras tạm thời được giải cứu, nhưng dự báo khoản cứu trợ 86 tỷ Euro của EU cũng chỉ như “muối bỏ bể” đối với nền kinh tế Hy Lạp.
Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki ngày 29/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giá dầu thô thế giới giảm thấp nhất trong 7 năm qua
Đúng như lo ngại từ các dự báo, giá dầu thô những phiên cuối năm 2015 đã “dò đáy” ở mức dưới 40 USD/thùng, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không thay đổi sản lượng khai thác đã khiến cung tiếp tục vượt cầu hơn 1 triệu thùng dầu/ngày. Giá dầu giảm đã khiến nhiều quốc gia lâm vào tình cảnh suy thoái, lạm phát cao tới hàng chục phần trăm như: Nga, Venezuela, Nigeria, Argentina. Trong năm 2015, giá dầu thô đã giảm tới 60% giá trị so với cùng kỳ.
Nga, châu Âu thiệt hại hàng trăm tỷ USD từ các biện pháp trừng phạt kinh tế
Các đòn trả đũa về kinh tế vẫn tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ giữa Nga và phương Tây - thị trường chiếm 45% sản phẩm xuất khẩu của xứ sở Bạch Dương. Đòn trừng phạt của EU và Mỹ cùng với việc giá dầu thế giới sụt giảm đã thực sự khiến nước Nga thiệt hại lớn khi GDP rơi vào suy thoái sâu. Tuy nhiên, EU cũng thiệt hại nặng nề do các biện pháp trả đũa từ Nga. Khoảng 2,5 triệu việc làm từ các nền kinh tế Đức, Pháp, Thụy Điển, Italy cũng có nguy cơ biến mất. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nông sản nổ ra trên khắp “lục địa già”. Ước tính, con số thiệt hại kinh tế mà cả Nga và EU bị mất đi trong năm 2015 có thể lên tới 100 tỷ USD mỗi bên.
Eu đã quyết định gia hạn trừng phạt kinh tế Nga tiếp 6 tháng. (Ảnh minh họa: Reuters)
Làn sóng rút vốn đầu tư khỏi các thị trường mới nổi
540 tỷ USD là tổng dòng vốn bị các nhà đầu tư rút ra khỏi những thị trường mới nổi trong năm 2015. Đây là lần đầu tiên khối thị trường này bị rút vốn kể từ năm 1998. Theo các chuyên gia, những lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm chạm tại các quốc gia mới nổi chủ yếu là do sự trì trệ của Trung Quốc và việc FED “úp mở” tăng lãi suất từ đầu năm khiến giới đầu tư “đứng ngồi không yên”.
Khủng hoảng di cư và gia tăng khủng bố tại châu Âu
“Bất ổn” là từ được nhiều báo chí quốc tế dành để miêu tả châu Âu năm 2015. Cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất sau Chiến tranh thế giới thứ II và làn sóng khủng bố dâng cao đã khiến “lục địa già” lâm vào tình cảnh khó khăn. Hơn 1 triệu người di cư và tị nạn từ các vùng chiến sự đã ồ ạt kéo về châu Âu với hy vọng tìm kiếm giấc mơ đổi đời. Điều này đã khiến 28 quốc gia thành viên EU trở nên chia rẽ sâu sắc cùng với các lo ngại về bất ổn xã hội mà làn sóng di cư có thể mang lại. Bên cạnh đó, trong làn người xin tị nạn có thể trà trộn những chiến binh Thánh chiến Hồi giáo. Lần đầu tiên, những hàng rào thép gai cao tới 4m đã được dựng lên giữa lòng châu Âu. Hàng tỷ USD tiền cứu trợ đã được các lãnh đạo Đức, Pháp đưa ra nhằm giúp châu Âu vượt qua cơn khủng hoảng này.
Người di cư vượt qua hàng rào dây thép gai gần Roszke, giáp giới Serbia ngày 27/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ký kết hiệp định lịch sử TPP
Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, hiệp định thương mại giữa 12 nước thành viên châu Á - Thái Bình Dương với tên gọi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức được ký kết. TPP được xem là hiệp định thế kỷ khi mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, hỗ trợ phát triển sản xuất trong toàn khu vực và xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu. Vì vậy, với tính chất mở cửa sâu rộng cùng các tiêu chuẩn cao về kỹ thuật và xuất xứ nội khối, hiệp định này cũng mang lại nhiều thách thức cho các quốc gia tham gia.
Trưởng đoàn các nước tham gia đàm phán TPP chụp ảnh chung tại hội nghị tại Atlanta ngày 1/10. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.