Cần một quy chuẩn cho "Made in Vietnam"

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ bảy, ngày 06/07/2019 14:37 GMT+7

VTV.vn - Hàng Việt Nam hay hàng “Made in Vietnam” là cụm từ gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Quy định nào để một doanh nghiệp được gắn nhãn Made in Vietnam?

Với người tiêu dùng, hiểu đơn giản Made in Vietnam chính là hàng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế, tại Việt Nam vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về việc ghi xuất xứ đối với hàng bán tại thị trường nội địa như điều kiện gì thì mới được ghi là xuất xứ Việt Nam, sản xuất Việt Nam hay sản phẩm Việt Nam.

Cụ thể, với những sản phẩm tiêu dùng trong nước đang có Nghị định 43/2017 quy định về ghi nhãn hàng hóa. Theo nghị định này, tổ chức, cá nhân phải ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn sản phẩm. Tuy nhiên, Nghị định cho phép các tổ chức, cá nhân được tự ghi và tự chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn xuất xứ trên cơ sở hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là họ trung thực. Tuy nhiên, cần lưu ý đây là về quy định đối với hàng nội địa bán tại Việt Nam. Còn hàng xuất khẩu lại là câu chuyện khác. 

Ví dụ, nếu nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc rồi dán nhãn Made in Vietnam là gian lận xuất xứ. Còn nhập nguyên liệu, linh kiện về, lắp ráp tại Việt Nam thì tỷ lệ nội địa bao nhiêu là hàng Việt lại chưa có quy định và doanh nghiệp được tự ghi thêm. Vì vậy, mới có chuyện dù hàng ghi made in Vietnam nhưng lại là hàng Việt tiêu chuẩn châu Âu, hàng đẳng cấp Ý, hay công nghệ Đức, Nhật...

Nhiều người tiêu dùng cho biết, xuất xứ không phải là thứ duy nhất họ quan tâm. Bên cạnh giá cả, chất lượng thì có một thứ họ quan tâm đó là thương hiệu. Ví dụ, nếu một sản phẩm như Apple thì phần lớn người tiêu dùng sẽ không quan tâm nó được lắp ở đâu và mặc định nó là hàng Mỹ. Bởi thực tế, thương hiệu Apple chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn sản phẩm của họ. Còn với những sản phẩm chưa có thương hiệu thì phần lớn chị lại quan tâm đến xuất xứ của nó.

Thực tế, tại Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm có thương hiệu toàn cầu kiểu Apple nên người tiêu dùng quan tâm nhiều đến xuất xứ. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này để giả xuất xứ. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo, chuẩn bị lấy ý kiến người dân về một bộ quy định thế nào được coi là "Sản xuất tại Việt Nam" để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết,  Bộ cũng thận trọng trong việc này vì quy định xuất xứ khá phức tạp. Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn đầu nên tập trung nghiên cứu để đưa ra một bộ tiêu chuẩn nhỏ lẻ hơn với từng công đoạn tạo ra sản phẩm. 

Trong khi chờ một bộ tiêu chuẩn về hàng Made in Vietnam tiêu thụ trong nước, vấn đề quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm, uy tín của chính doanh nghiệp với mỗi sản phẩm của mình. Bản thân cụm từ "Tự chịu trách nhiệm" trong quy định hiện tại của Nghị định 43/2017 cũng đã bao hàm nghĩa đó. Dù doanh nghiệp có ghi như thế nào trong xuất xứ hàng hóa của mình, có đẳng cấp, có công nghệ như thế nào đi chăng nữa mà người tiêu dùng không chấp nhận thì doanh nghiệp cũng thất bại. 

Phân vân nguồn gốc hàng gắn mác “made in Vietnam” Phân vân nguồn gốc hàng gắn mác “made in Vietnam”

VTV.vn - Khi cầm một sản phẩm gắn mác “made in Vietnam”, nhiều người hoang mang không biết đây có phải là sản phẩm xuất xứ tại Việt Nam hay không?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước