Chặn cơn sốt đất: Cần giải pháp căn cơ, không phải như uống “viên hạ sốt”

VTV Digital (Ảnh: Dân trí)-Thứ bảy, ngày 17/04/2021 12:16 GMT+7

VTV.vn - Với sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương và Bộ, ngành, cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng giá bất động sản vẫn không hạ.

Giá đất nền tại nhiều tỉnh, thành tăng chóng mặt, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với giá trước đây. Điển hình, giá đất thổ cư có nơi tăng gấp 5 lần so với đầu năm 2020. Nhiều người bỏ cả công việc để lao vào cơn sốt mua bán đất.

Trước thực trạng này, một loạt lãnh đạo các địa phương đã ra văn bản chấn chỉnh, siết việc giao dịch đất đai bất hợp pháp. Đặc biệt, ngay trong tuần qua Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước cũng đã lên tiếng cảnh báo.

Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, cơn sốt đất nền có dấu hiệu hạ nhưng làm sao để giá bất động sản về đúng với thực tế sau thời gian bị thổi giá?

Giải pháp chặn sốt đất ảo

TP Hạ Long và tỉnh Bắc Giang đã ngay lập tức yêu cầu tạm dừng tách thửa, tức là chia nhỏ các mảnh đất ra để bán và dừng chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở tại các điểm nóng.

Tại Bắc Ninh, tỉnh yêu cầu kiểm tra 6 dự án, được phản ánh là bán phân lô bán nền trái phép, khi mới chỉ trúng đấu giá đất và vẫn là bãi đất trống. Đồng thời, các địa phương cũng sẽ xử lý các đối tượng tung tin đồn giả.

Nhiều nơi sốt đất là do các môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để đẩy giá. Các địa phương như Bình Phước, Hạ Long đã công khai các thông tin quy hoạch, tránh những đồn thổi.

Chặn cơn sốt đất: Cần giải pháp căn cơ, không phải như uống “viên hạ sốt” - Ảnh 1.

Sốt đất diễn ra tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Ảnh minh họa.

Để tăng tính hiệu quả trong việc chặn sốt đất ảo, các địa phương còn gắn việc xử lý sốt đất với trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã, phường. Ngay sau khi loạt giải pháp chấn chỉnh được các địa phương đưa ra, cơn sốt tại nhiều nơi đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, những giải pháp này giống như người bệnh lên cơn sốt cho uống "viên hạ sốt", chứ không phải giải pháp căn cơ.

"Các địa phương đều sử dụng 4 biện pháp chính để để dừng cơn sốt: Thông tin quy hoạch đó không chính xác, để người dân biết đây là một cơn sốt; Dừng việc không giao dịch không xác nhận, không cho phép phân lô tách thưở; Cảnh báo những người thổi tin đồn sốt đất sẽ bị xử lý hình sự; Quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Những giải pháp này giống như người bệnh lên cơn sốt cho uống viên hạ sốt, chứ không phải giải pháp căn cơ để tác động vào nhóm những người luôn tung tin đồn thổi để tạo cơn sốt", PGS TS Hoàng Văn Cường cho hay.

Trước đây, cò mồi có thể huy động hàng trăm người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn, để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp. Mỗi lần có khách hàng đến văn phòng giao dịch, các môi giới sẽ thông tin cho những người khác nhập vai y như khách mua thật.

Giờ đây do kiểm soát, có thể không thấy bóng dáng của cò đất, nhưng nay là thời kỳ 4.0, rất có thể các nhóm trên các nền tảng điện thoại vẫn có trao đổi. Vì vậy, theo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, cần kiểm soát chặt các khâu giao dịch và nguồn tiền để giao dịch.

Rủi ro từ các hợp đồng góp vốn

Với sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương Bộ, ngành, cơn sốt đất đã hạ nhiệt, nhưng giá bất động sản vẫn ở mức cao và đặc biệt rủi ro vẫn tiềm ẩn đối với các khách hàng đã mua đất bằng các hợp đồng góp vốn, không phải hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.

Dự án khu đô thị Bắc cầu Bang (Quảng Ninh), được triển khai từ hơn 10 năm trước. Vài tháng nay, bỗng dậy sóng, các nhà đầu tư mua đi bán lại các suất hợp đồng góp vốn, đẩy giá từ 3 - 4 triệu đồng/m2 thành 11 - 12 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dự án này không biết tới bao giờ mới được triển khai tiếp, khi vẫn còn ngổn ngang, vướng nhiều thủ tục pháp lý.

Đại diện TP Hạ Long cho biết, hiện thành phố cũng tạm thời dừng tách thửa, dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại một số khu vực.

Các địa phương cũng cho biết, qua khảo sát, những đối tượng tạo sóng sốt đất chủ yếu đến từ Hà Nội và một số địa phương khác. Các đối tượng này tạo thành một nhóm và thường xuyên di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Chặn cơn sốt đất: Cần giải pháp căn cơ, không phải như uống “viên hạ sốt” - Ảnh 2.

Với sự vào cuộc rốt ráo của các địa phương và Bộ, ngành, cơn sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng giá bất động sản vẫn không hạ. Ảnh minh họa.

Thực ra trong thời gian qua, không chỉ có Việt nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn như Trung Quốc, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại siết mạnh dòng vốn tín dụng đổ vào bất động sản. Hay tại TP Thâm Quyến lập đường đây nóng, hay tài khoản trên mạng xã hội Weibo để người dân tố cáo các công ty cho vay đầu cơ bất động sản, hay người dân lách luật để vay vốn giá thấp mua bất động sản thứ 2, thứ 3.

Bên cạnh việc "cắt" sốt đất ảo từ các công cụ của cơ quan quản lý Nhà nước thì tiền là của chính nhà đầu tư, nên người dân cần tỉnh táo khi đầu tư đất đai. Tránh tâm lý chạy theo đám đông, bị giới đầu cơ lôi kéo.

Đặc biệt, tính pháp lý của các giao dịch nhà đất là yếu tố hết sức quan trọng bởi chiêu trò thổi giá lại đã hoành hành tại các dự án chưa xong thủ tục pháp lý. Thậm chí, các đối tượng tự phân lô bán nền để bán, hoặc là thu gom đất nông nghiệp để mua bán sang tay.

Hiện nay, các địa phương đều sẵn sàng cung cấp và công khai các quy hoạch để người dân nắm được, tránh các thông tin không chính thống từ các môi giới, cò mồi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước