Chuyện các đại lý thu mua nông sản tuyên bố vỡ nợ sau khi nhận cà phê ký gửi của người dân không phải chuyện hiếm ở Gia Lai cũng như ở Tây Nguyên. Mới đây, chủ doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Tỉnh chuyên thu mua nông sản tại xã Kdang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đã đến địa phương trình báo việc vỡ nợ trong quá trình kinh doanh nông sản trên địa bàn. Tổng số tiền mà cơ sở này khai báo nợ là trên 36 tỉ đồng, không còn khả năng chi trả. Khai nhận với cơ quan điều tra, chủ cơ sở cho biết, việc thua lỗ đã kéo dài từ nhiều năm trước.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng đã liên tiếp xảy ra hai vụ vỡ nợ của các chủ cơ sở thu mua nông sản khiến nhiều hộ nông dân điêu đứng. Điều đáng báo động là số tiền và phạm vi của vụ việc ngày càng cao hơn, khiến nhiều người nông dân rơi vào cảnh khốn đốn.
Nhận ký gửi, mua hàng với giá cao hơn thị trường, chậm trả và sau đó tuyên bố vỡ nợ là câu chuyện khá phổ biến đối với nông dân ở Tây Nguyên trong nhiều năm trở lại đây. Rủi ro là vậy, thế nhưng vì sao người nông dân vẫn đưa cả gia tài của mình vào các đại lý ký gửi. Để tạo dựng uy tín, trong vài năm, những đơn vị thu mua sẵn sàng chấp nhận lỗ, đến khi có đủ lòng tin với khách hàng và thu gom được lượng hàng lớn, họ tuyên bố vỡ nợ. Vì tin tưởng nên hầu hết giao kèo, hợp đồng ký gửi được ký kết sơ sài, thậm chí nhiều người chỉ cam kết bằng lời. Đây là cơ sở để những người thu mua có ý đồ chiếm đoạt dễ dàng thực hiện hành vi của mình.
Những vụ việc tương tự đã xảy ra trong nhiều năm qua, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để khắc phục. Người nông dân ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung dường như phải chấp nhận với cảnh vỡ nợ này.
Trong lúc này, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Tại sao không có một đơn vị tài chính trung gian tham gia vào mối quan hệ giữa người nông dân và các đại lý ký gửi nông sản? Liệu đây có phải giải pháp cần và đủ để chấm dứt tình trạng vỡ nợ đại lý thu mua nông sản hay không?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!