Tại châu Âu, thực phẩm bắt buộc ghi rõ xuất xứ như quả cam, quả táo... trồng ở nước nào, thịt gà, thịt lợn... nuôi ở đâu. Với hàng hoá khác, đặc biệt là với sản phẩm có linh kiện từ nhiều nước khác nhau thì được phép in dòng chữ "Made in" tại quốc gia đóng góp một nửa giá trị tính theo giá bán sản phẩm.
Ví dụ, áo khoác may ở Trung Quốc, đính một cái khuy trên đất Pháp thì không được phép gắn mác "Made in France". Nhưng một doanh nghiệp của một nước bất kỳ mua vải Trung Quốc mang sang Pháp thuê nhân công sản xuất ra áo khoác thì cái áo đó lại có thể gắn mác "Made in France", nếu như tiền mua vải chưa tới một nửa giá bán chiếc áo.
Tại Mỹ, các yêu cầu về gắn mác xuất xứ cũng khá tương đồng. Theo trang web chính thức của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC), một sản phẩm muốn được chứng nhận xuất xứ "Made in USA" (sản xuất tại Mỹ) thì "tất cả hoặc hầu như tất cả các chi tiết và công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm phải có nguồn gốc từ Mỹ". Yếu tố nước ngoài trong sản phẩm chỉ được bao gồm các bộ phận không quan trọng và chiếm tỷ lệ không đáng kể.
Các nghiên cứu đều cảnh báo rằng, rất khó để có thể tìm được 1 sản phẩm 100% làm từ các công ty của Mỹ, chỉ có thể là phần lớn có nguồn gốc Mỹ. Trong danh sách mới được đăng tải bởi chuyên trang tài chính The Motley Fool, chỉ còn những dòng sản phẩm lâu đời, đặc trưng cho văn hóa Mỹ như: Nến thơm hãng Yankee Candle, Kính râm Oakley, bật lửa Zippo hay xe moto Harley Davidso.
Quy định về tỷ lệ nội địa hóa đã có nhưng cách dán và ghi gì thì lại rất khác nhau. Ví dụ như thực phẩm thường ghi là Product of the USA (sản phẩm của nước Mỹ). Còn với các sản phẩm nhập khẩu hay liên doanh cũng có vô vàn cách ghi khác nhau.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!