Đâu là nỗi sợ lớn nhất của các tay vợt?

Theo Thể thao ngày nayCập nhật 17:26 ngày 26/06/2015

VTV.vn - Đâu mới là nỗi sợ lớn nhất của các tay vợt? Chấn thương, tiền thưởng hay gặp đối thủ "kỵ dơ"...?

 

Ăn chiếc bánh croissant nóng hổi ở quán café vỉa hè, ngồi ở Musee D’Orsay để họa sĩ đường phố họa một tấm chân dung nhanh, ngắm nhà thờ Đức bà từ con thuyền trên sông Seine, nhấp từng ngụm rượu vang dưới chân tháp Eiffel khi hoàng hôn buông xuống. Còn nơi nào huyền ảo như thành phố ánh sáng?

Đúng, các tay vợt chuyên nghiệp đều đã tận hưởng những thành phố tuyệt vời như thế. Nhưng trong khi các điểm đến đều tuyệt thì hành trình giữa các điểm đó chẳng vui chút nào. “Một lần tôi bay từ Moscow đến Chicago sau khi tôi bị ngộ độc thực phẩm. Gần như cả chuyến bay dài 13 giờ đồng hồ, tôi ở trong toilet, tôi không thể quên lần di chuyển thảm họa đó, tôi học được một điều là đừng ăn đồ lạ ở bất kỳ đâu”, Serena Williams kể lại.

“Nhiều người nghĩ được đi đó đây sướng lắm nhưng phải xa nhà hơn nửa năm, hết khách sạn này đến khách sạn khác mệt mỏi lắm”, tay vợt Sam Querrey nói. Mùa giải quần vợt đỉnh cao kéo dài 11 tháng để các tay vợt di chuyển, giữa những giải đấu, họ vẫn có thể về nhà nhưng không nhiều. Khác với các VĐV chơi các môn tập thể, các tay vợt phải tự bỏ tiền túi đi lại.

Bethanie Mattek Sands sống với Scottsdale, bang Arizona, Mỹ. Đó là nơi cô gọi là nhà, nhưng chủ yếu cô ở trên máy bay, khách sạn, căn hộ khắp thế giới. Cô bay đến Úc tháng 1, chơi các giải ở Brisbane, Sydney, Melbourne, rồi về nhà thời gian ngắn. Rồi tới Brazil, Mexico, về nhà; tới Indian Wells, về nhà rồi tới Charleston hay tới châu Âu chơi ở Stuttgart, Madrid, Rome, Nuremberg, Paris.

Sau Roland Garros, cô về nhà rồi trở lại nước Anh chơi Wimbledon, tiếp theo là các giải tại Thụy Điển, Áo. Rồi về nhà chơi mùa sân cứng Bắc Mỹ tại một số thành phố. Sau US Open là những chuyến đi đến Brazil, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh, có lẽ Moscow nữa. “Các bạn cứ tưởng tôi là khách VIP trên máy bay, nhưng không phải bởi một hãng không có đường bay đến mọi chốn như tôi”, Bethanie Mattek Sands nói. Có lần cô bay những chuyến lạ lẫm như Kuala Lumpur đi Marrakech, đổi máy bay vài lần.

Madison Brengle năm ngoái chơi một giải ở Trnava, Slovakia. Trận đấu kết thúc quá muộn làm cô không kịp bắt tàu đến Prague đánh trận vòng loại giải tiếp theo. Cô và một người bạn thuê tạm khách sạn ở gần nhà ga Bratislava, một nơi mà sau đó họ nhận ra là rất phức tạp. Họ phải chèn hành lý vào cửa phòng để tránh bị tấn công bất ngờ.

“Bạn tôi có con dao gấp trong túi, còn tôi thì ngồi trên giường với cây vợt là vũ khí, chúng tôi chỉ muốn đêm đó qua thật nhanh”, Brengle kể. Cô không chợp mắt chút nào, bắt chuyến tàu 5h sáng đến Prague lúc 10h30 sáng, tắm nhanh ở khách sạn rồi chạy vội ra sân thi đấu và thắng trận đầu tiên. Quả là một ngày dài.

Samantha Stosur bay từ Miami đến Charleston trên chuyến bay lúc đầu bị chậm hơn 1 giờ đồng hồ vì trục trặc ở khâu hành lý của khách. Khi giải quyết xong việc đó, sẵn sàng bay thì viên phi công báo có vấn đề về vệ sinh dịch tễ, thế là cả đoàn khách quay về cổng chờ. Stosur đặt chuyến bay sáng hôm sau và đến một khách sạn nghỉ. Khách sạn này tồi đến mức cô quyết định trở lại sân bay đợi còn hơn và cô ngủ tạm trên băng tải hành lý.

Andrea Petkovic hiểu cảm giác đó. Cô xa nhà khoảng 40 tuần mỗi năm. “Tôi nhớ một lần đánh giải ở Pháp, đó là thị trấn nhỏ không có sân bay. Từ đó về nhà, tôi đổi tàu lửa 5 lần, mất 13 tiếng đồng hồ, đến nơi là 8h tối. Tôi vẫn phải đợi 2 tiếng nữa ở ga tàu chờ cha mẹ tôi đến đón, chắc họ quên mất là họ có đứa con gái. Hôm đó là sinh nhật thứ 18 của tôi”, Andrea Petkovic kể lại.

Một cầu thủ bóng đá chẳng hạn, sau khi thua trận, họ chẳng phải hối hả về phòng lên mạng tìm đặt chuyến bay nhanh nhất cho mình, họ cũng không phải trả tiền vé máy bay, có người khác lo cho họ và họ chỉ việc ăn no ngủ kỹ.

Nhưng các tay vợt phải làm những điều kể trên và nếu đi cùng họ là HLV và những người giúp việc khác thì họ phải chi hết các khoản. Querrey nói mình anh ngốn hết 50.000 USD tiền đi lại mỗi năm. Justin Sands, chồng của Bethanie Mattek Sands, ước tính vợ chồng họ chi 150.000 USD hàng năm cho việc này.

Vấn đề nữa là họ chẳng biết khi nào họ bị loại khỏi giải đấu. Nếu bị loại thì ở lại nơi này làm gì nữa, đến nơi thi đấu kế tiếp để nhanh thích nghi còn hơn. Do đó, họ thường đặt vé một chiều, rồi đặt chuyến tiếp theo ngay sau khi thua. Đặt vé muộn giá rất đắt, đặc biệt những chuyến vượt đại dương. Coco Vandeweghe nói có lần cô mua vé từ Morocco về Mỹ tốn 4.000 USD.

Nhưng đôi khi mọi chuyện không diễn ra như ý muốn, ngay cả khi sẵn sàng trả tiền mua vé đắt. Bethanie Mattek Sands một lần chơi tốt và vào sâu ở giải đấu tại thành phố Memphis (bang Tennessee, Mỹ), cô muốn có vé đến Charleston (bang South Carolina) nhưng vì điều kiện thời tiết, không có hãng nào bán vé trong 4 ngày kế tiếp, vậy là vợ chồng cô lái xe sang Augusta (bang Georgia) để mua vé bay tới Charleston.

Hành lý cũng là một điều vất vả. Các tay vợt sao có người thu xếp, vận chuyển hành lý cho họ. Nhưng những tay vợt bình thường như Alize Cornet thì “đóng gói đồ đạc di chuyển từ nơi này sang nơi khác là một việc chẳng thú vị chút nào”. Ernests Gulbis một lần đến Rome phải chờ 3 tiếng rưỡi đồng hồ ở sân bay để lấy hành lý vì có một cuộc bãi công của công nhân trong sân bay.

Alison Riske năm nay thất lạc hành lý khi từ Brussels (Bỉ) đến Strasbourg (Pháp). 5 ngày sau mới lấy lại được và cô phải mượn tạm quần áo thi đấu từ các nữ đồng nghiệp Brengle, Lauren Davis, Ajla Tomljanovic. Jiri Vesely, tay vợt người CH Czech cũng bị thất lạc hành lý ở Morocco và anh phải ra bãi biển mua chiếc quần cụt lòe loẹt của dân đi nghỉ để mặc vào sân thi đấu.

Các cuốn hộ chiếu của họ luôn dày cộm bởi những trang thêm. Một số người có 2 cuốn hộ chiếu - 1 cuốn để đi, còn 1 cuốn thì nộp ở sứ quán chờ xin thị thực. Mattek Sands nói người Mỹ là dễ nhất nhưng khi còn trẻ, có lần cô đã òa khóc ở Tokyo bởi nhân viên hải quan nói cô có thể không bao giờ được vào Nhật Bản.

“Bạn hỏi một tay vợt: Nếu cho anh/chị một sức mạnh siêu nhiên, thì anh/chị muốn sức mạnh nào? Mọi người sẽ trả lời: Teletransportation”, Brengle nói, “Như vậy thì mọi giải đấu sẽ giống như những giải đấu ở quê nhà. Đó là ước mơ của tôi”. Teletransportation? Một thuật ngữ chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng hay thế giới thần phật, tức là hiện hình ở bất kỳ nơi nào mình muốn mà chẳng phải tốn một hơi thở nào.