Theo báo cáo công bố ngày 19/8 trên tạp chí "Science Translational Medicine", loại vaccine DNA tổng hợp đã bảo vệ thành công toàn bộ số khỉ thí nghiệm trước virus MERS. Các chú khỉ này được tiêm vaccine 6 tuần trước khi cho phơi nhiễm với virus và sau đó không có dấu hiệu phát bệnh. Bên cạnh đó, vaccine này không chứa các virus "sống", do đó không có nguy cơ gây nhiễm bệnh khi sử dụng.
Ngoài ra, thí nghiệm của các chuyên gia của Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania cũng cho thấy loại vaccine mới này còn có khả năng tạo ra kháng thể trong máu lạc đà, cho thấy cơ hội phá vỡ "mắt xích" này trong vòng lây nhiễm MERS. Các nhà khoa học tin rằng dịch bệnh chết người này bắt nguồn từ lạc đà và sau đó lây sang người.
Áp lực đối với việc sản xuất vaccine phòng chống MERS tăng cao sau khi đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua tại Hàn Quốc làm hơn 180 người nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng hơn 30 người. Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, giáo sư David Weiner nhận định, sự gia tăng các ca nhiễm MERS gần đây cùng với việc thiếu một phương thức điều trị hay vaccine hiệu quả khiến phát triển vaccine phòng ngừa MERS tiếp tục là một ưu tiên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết cần thêm nghiên cứu sâu hơn trước khi vaccine mới có thể thử nghiệm trên người. Tham gia nghiên cứu là các chuyên gia đến từ Viện Các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ, Cơ quan Sức khỏe cộng đồng Canada, hãng dược phẩm Inovio, Đại học Washington và Đại học South Florida.
MERS là bệnh hô hấp được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012 tại Saudi Arabia do một loại virus còn khá mới với con người có tên gọi MERS-CoV. Căn bệnh này được coi là có mối liên hệ với Hội chứng hô hấp cấp (SARS) từng xuất hiện vào năm 2003 và cướp đi sinh mạng của hơn 800 người trên toàn cầu. Cho đến nay, MERS đã được phát hiện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có một số quốc gia ở Trung Đông, Pháp, Đức, Italy, Hàn Quốc, Tunisia và Anh đã bị ảnh hưởng bởi virus này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.