Hình ảnh hố đen khối lượng trung bình. (Ảnh: arirang.com)
Hố đen này nằm ở trung tâm Thiên hà lùn NGC4395, cách Trái đất 14 triệu năm ánh sáng.
Trước đó, giới học thuật quốc tế đã nhiều lần tuyên bố phát hiện được hố đen khối lượng trung bình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu công bố về hố đen khối lượng trung bình được kiểm chứng chắn chắn thông qua phương pháp nghiên cứu khoa học đáng tin cậy.
Cho tới nay, phần lớn các hố đen được biết đến đều dưới dạng hố đen khối lượng nhỏ, hình thành do một ngôi sao nào đó chết đi, hoặc hố đen siêu khối lượng, lớn gấp hàng chục nghìn cho tới hàng tỷ lần khối lượng Mặt trời.
Mặc dù giới nghiên cứu đã biết về sự tồn tại của hố đen ở trung tâm Thiên hà lùn NGC4395, song những nỗ lực nhằm đo đạc khối lượng của hố đen đều kết thúc trong thất bại.
Nhóm nghiên cứu của Đại học quốc gia Seoul đã vận dụng hiệu ứng "tiếng vọng của ánh sáng" để đo khối lượng hố đen. "Tiếng vọng của ánh sáng" là sự chênh lệch về thời gian tùy theo quy mô của hố đen, giữa ánh sáng phát ra từ đĩa bồi tụ (lượng vật chất khổng lồ được hấp thụ bởi hố đen) và ánh sáng phát ra từ các đám mây khí xung quanh.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng khoảng 20 kính thiên văn trên toàn thế giới từ năm 2017 đến năm 2018, đo đạc hiệu ứng "tiếng vọng của ánh sáng", phân tích kết quả đo được và đưa ra kết luận trên.
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đánh giá đây là phát hiện mang ý nghĩa quan trọng, có thể kết nối móc xích bị mất giữa hố đen khối lượng khổng lồ và hố đen khối lượng nhỏ, là một đầu mối để hiểu về "hạt giống hố đen" hình thành từ giai đoạn sơ khai của vũ trụ.
Kết quả nghiên cứu trên được đăng trên ấn bản trực tuyến của tạp chí "Thiên văn thiên nhiên" (Nature Astronomy), một tạp chí học thuật uy tín quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!