COVID-19 LÀM CHAO ĐẢO TOÀN CẦU
Bác sĩ an ủi một bệnh nhân cao tuổi mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: AP)
Sau khi xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 11/2019 và bùng phát thành dịch là tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12/2019, đến tháng 1/2020, đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan mạnh tại nhiều khu vực khác, khiến cả thế giới sống trong sợ hãi do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thế giới đang sôi động bỗng đột ngột đứng im. Nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ bỗng bị đình trệ. Nền kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi các lệnh đóng cửa được ban hành.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn phải tiếp tục nhưng trong một trạng thái đặc biệt mang tên trạng thái "bình thường mới". Khẩu trang từng là thứ bị "kỳ thị" tại nhiêu nơi bỗng chốc trở thành hình ảnh quen thuộc ở khắp mọi nơi. Giãn cách xã hội trở thành một "lối sống", mọi người phải làm quen với việc ở trong nhà nhiều hơn và hạn chế tụ tập nơi đông người khi không cần thiết. Thay vì gặp mặt trực tiếp, các ứng dụng hỗ trợ gọi video, họp trực tuyến trở thành công cụ liên lạc chính.
Hình ảnh bà Agustina Canamero (81 tuổi) và chồng là ông Pascual Perez (84 tuổi) chia sẻ tình cảm với nhau qua tấm màn nhựa để tránh lây nhiễm COVID-19 tại một viện dưỡng lão ở Barcelona, Tây Ban Nha (Ảnh: AP)
Mặc dù các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt được áp dụng, dịch COVID-19 vẫn bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu. Điều này thúc đẩy việc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine ứng phó với dịch bệnh. Những mũi tiêm vaccine đã được triển khai trong thời gian ngắn kỷ lục.
Tuy nhiên, một số quốc gia hiện nay đang phải đối mặt với biến thể virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Biến chủng virus mới có tên là SARS-CoV-2 VUI 202012/01 lần đầu được xác định ở Anh và được cho là nguyên nhân của sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 tại quốc gia này trong thời gian gần đây. Theo các nhà khoa học, biến thể này có thể lây lan nhanh hơn tới 70%.
SUY THOÁI KINH TẾ TỒI TỆ
Do ảnh hưởng từ đại dịch COIVD-19, thế giới lâm vào suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến hai. Điều này gây ảnh hưởng tới sinh kế của hàng trăm triệu người.
Theo báo cáo, 2/3 đội tàu bay thương mại trên toàn cầu đã phải nằm "phơi sân" do các biện pháp hạn chế của các quốc gia.
Những chiếc máy bay bị bỏ không trong mùa dịch COVID-19 (Ảnh: AP)
Giá dầu xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử, chạm tới âm 40 USD/thùng. Trong khi đó, vàng lại như một "nơi trú ẩn" an toàn khi giá liên tục lập đỉnh. Mặc dù vậy, nhiều người vỡ mộng làm giàu khi giá vàng giảm mạnh sau đó.
Để cứu vãn tình hình và vực dậy nền kinh tế, các quốc gia tung ra các gói kích thích kinh tế lên tới nghìn tỷ USD.
ASEAN: NÂNG TẦM VỊ THẾ
Ngày 15/11/2020, 10 nước ASEAN và 5 quốc gia gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với ASEAN làm trung tâm.
Theo các điều khoản của RCEP, 86% hàng hóa Nhật Bản và 83% hàng hóa Hàn Quốc sẽ được Trung Quốc giảm thuế về mức 0% trong khi hàng hóa châu Âu vẫn chịu mức thuế 9,15%, được áp dụng từ năm 2017.
Việt Nam chủ động cùng ASEAN và các đối tác ứng phó với dịch COVID-19 (Ảnh: asean.org)
Bên cạnh đó, trước ảnh hưởng của đại dịch, ASEAN đã thành lập Quỹ ứng phó đại dịch COVID-19, xây dựng Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp.
Với những kết quả cụ thể này, Việt Nam đã ghi dấu thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN, vừa lãnh đạo ASEAN trên mặt trận chống dịch, vừa duy trì đà hợp tác của cộng đồng.
CUỘC BẦU CỬ ĐẦY CHIA RẼ
Càng bất đồng, chia rẽ người ta càng muốn thể hiện quan điểm. Nước Mỹ đã chứng kiến số lượng cử tri đi bỏ phiếu cao kỷ lục trong cuộc đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng viên gồm đương kim Tổng thống Donald Trump đại diện cho đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện cho đảng Dân chủ.
Ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ (trái) và ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa (phải) tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 (Ảnh: AP)
Sau nhiều kiện tụng và trì hoãn, ngày 14/12, ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden đã chính thức nhận được 306 phiếu đại cử tri, vượt xa con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để đảm bảo chiến thắng.
Liên danh tranh cử với ông Joe Biden, bà Kamala Harris sẽ trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, tiến trình chuyển giao quyền lực không êm thấm với cuộc chiến pháp lý còn chưa kết thúc.
Bà Harris sẽ là phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người gốc Á đầu tiên trở thành Phó Tổng thống Mỹ (Ảnh: AP)
MÂU THUẪN GIA TĂNG
COVID-19 chi phối tâm trí nhưng không vì thế mà những mâu thuẫn bớt đi.
Đụng độ đẫm máu tại khu vực biên giới Trung Quốc và Ấn độ diễn ra trong mùa hè năm nay.
Chiến sự kéo dài 44 ngày tại khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azecbaigian cướp đi sinh mạng của khoảng 5.000 người.
Mỹ và Iran khiến thế giới lo lắng về một cuộc đụng độ lớn sau khi máy bay không người lái của Mỹ phóng tên lửa hạ sát tướng Soleimani, một trong những nhà lãnh đạo quân sự được trọng vọng nhất tại Iran.
Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung quốc cũng xấu đi rõ rệt sau 3 năm suy giảm liên tiếp dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tràn ngập tranh cãi và những đòn "ăn miếng trả miếng".
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi rõ rệt dưới thời Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP)
MÂU THUẪN GIA TĂNG
Điểm sáng của năm 2020 lại đến từ Trung đông, khu vực đầy nghi kỵ và bất ổn trong hàng thập kỷ qua.
Isreal đã bình thường hoá quan hệ với 4 nước Arab gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc.
Mỹ ca ngợi những thỏa thuận này sẽ chấm dứt cô lập Israel, đồng thời tạo cơ sở cho một liên kết rộng rãi hơn chống Iran.
Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ Trump và Ngoại trưởng UAE tại Nhà Trắng (Ảnh: AP)
Như lẽ tự nhiên, Iran chỉ trích. Còn người Palestine xem đây là một nhát đâm sau lưng vì hy vọng thành lập một nhà nước Palestine độc lập của họ vẫn còn xa vời mà một số anh em, bè bạn đã vội hòa hoãn với Israel.
Còn nhiều hoài nghi về triển vọng thực sự của những thỏa thuận này nhưng rõ ràng một cục diện địa chính trị mới đã mở ra tại Trung đông.
EU - ANH: THỎA THUẬN LỊCH SỬ
Tiến trình đàm phán mệt mỏi cuối cùng cũng đi đến đích. Thỏa thuận về mối quan hệ hậu Brexit đạt được trong những tuần cuối cùng của năm giúp Anh và EU tránh được kịch bản chia tay trong hỗn loạn.
Anh và EU đã đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit sau 10 tháng đàm phán (Ảnh: Reuters)
Sau ngày 31/12/2020 sẽ là một sự khởi đầu mới cho mối quan hệ Anh và EU. Họ chính thức chia tay sau gần 50 năm chung sống.
XU HƯỚNG VŨ KHÍ CÔNG NGHỆ MỚI
Các nước trên thế giới tiếp tục rót tiền tỷ vào những hợp đồng mua bán vũ khí. Trong khi đó, các Hiệp ước kiểm soát vũ khí lần lượt bị phớt lờ hay rũ bỏ.
Chỉ tính riêng Mỹ, nhà xuất khẩu vũ khí số 1 thế giới, trong năm tài khóa 2020, doanh thu của quốc gia này đã tăng 2,8%, lên tới 175 tỷ USD.
Tàu săn ngầm không người lái Sea Hunter của Hải quân Mỹ (Ảnh: Topwar)
Xu thế mua vũ khí hiện nay là những thiết bị quân sự công nghệ mới. Máy bay không người lái đã trở thành vũ khí tấn công chủ lực mới trong mọi cuộc chiến, từ vụ ám sát tướng Iran cho đến chiến trường Nagorno-Karabakh trong năm nay.
Đáng lo ngại là vũ khí thay đổi có thể làm biến chuyển cả hình thái và phương thức tác chiến trong tương lai.
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - KHÔNG THỂ ĐẢO NGƯỢC
Australia chìm trong biển lửa với hàng nghìn đám cháy rừng. Mỹ rơi vào tình cảnh tương tự với bầu trời chuyển sang màu cam như tại Hỏa Diệm Sơn. Trong khi đó, bão lớn tàn phá nặng nề khu vực Trung Mỹ và Đông Nam Á.
Cháy rừng chỉ là một trong những hậu quả của biến đổi khí hậu (Ảnh: AP)
Có thể thấy, cháy rừng thảm khốc hơn, bão lớn hơn, hạn hán khắc nghiệt hơn… sẽ là trạng thái "bình thường mới" nếu thế giới không đoàn kết để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
CÔNG TY TƯ NHÂN ĐƯA NGƯỜI LÊN KHÔNG GIAN
Lần đầu tiên trong lịch sử, một chuyến bay tư nhân được thực hiện với mục tiêu đưa người lên không gian. Đó chính là ý tưởng táo bạo của SpaceX - công ty do tỷ phú công nghệ Elon Musk lập ra với tham vọng đưa thành công phi hành gia lên trạm vũ trụ quốc tế ở mức giá rẻ chưa từng thấy.
Tỷ phú Elon Musk ấp ủ tham vọng chinh phục không gian với SpaceX (Ảnh: AP)
Không chỉ dự định tạo cách mạng hóa giao thông vận tải trên không gian qua SpaceX, ngay tại Trái Đất, Elon Musk cũng thực hiện điều này thông qua xe điện Tesla và giàu lên nhanh chóng.
Năm 2020, Elon Musk đã vượt qua Bill Gates để trở thành người giàu thứ hai thế giới.
Đáng chú ý, theo báo cáo, 7 trong 10 tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay đều đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!