Nhóm 11 nước thành viên Liên minh châu Âu do Pháp dẫn đầu vừa thống nhất tăng cường hợp tác, thúc đẩy một liên minh các quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân trong các chính sách năng lượng của EU. Tuyên bố được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển), trong bối cảnh châu Âu đang phải đối phó tình trạng thiếu hụt nguồn cung năng lượng.
11 quốc gia gồm Bulgaria, Croatia, CH Séc, Phần Lan, Pháp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia đã nhất trí thành lập một "liên minh hạt nhân" mới trong EU, ủng hộ các dự án mới ngoài các nhà máy hạt nhân hiện có. Các nước này nhấn mạnh, năng lượng hạt nhân là một trong nhiều công cụ giúp đạt được các mục tiêu về khí hậu, sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cũng như đảm bảo an ninh nguồn cung.
Bà Agnès Pannier-runacher - Bộ trưởng chuyển đổi năng lượng Pháp: "Có thể thấy trong thời điểm căng thẳng về năng lượng, năng lượng hạt nhân quan trọng như thế nào. Nó thải ra ít carbon hơn so với năng lượng gió và quang điện, nó sẽ là một trong những công cụ bên cạnh năng lượng tái tạo để giúp đạt được mức trung hòa carbon".
Bà Anna Moskwa - Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan: "Tôi rất mừng vì năng lượng hạt nhân, bằng cách nào đó đã quay trở lại các cuộc thảo luận ở EU. Nhiều năm trước, năng lượng hạt nhân đã bị cấm, nhưng giờ mọi chuyện đã khác. Chúng ta đều có lợi ích chung khi xây dựng các nguồn cung ổn định, đó là lý do vì sao Ba Lan quyết định phát triển hạt nhân".
Bà Ebba Busch - Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển: "Lập trường của Thụy Điển về năng lượng hạt nhân rất rõ ràng, nhưng tôi nghĩ trong tình hình địa chính trị phức tạp mà chúng ta đang trải qua, mục tiêu chính phải là chuyển đổi xanh, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh cho các công ty và giá cả mà các hộ gia đình có thể chi trả được".
Xu hướng giảm dần năng lượng hạt nhân và những lo ngại sau thảm họa ở nhà máy năng lượng hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) đã dẫn đến tổng lượng điện hạt nhân ở EU giảm 25% trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2020. Thế nhưng, sau khi "tẩy chay" khí đốt của Nga, các nước châu Âu buộc phải đảo ngược chính sách. Các nhà phân tích cho rằng giới chức các nước châu Âu đang đứng trước sức ép tìm một giải pháp ngắn hạn để có đủ năng lượng sưởi ấm trong mùa đông, cũng như các biện pháp bảo vệ dài hạn để tránh những biến động năng lượng khó lường do tác động từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay.
Liên minh năng lượng hạt nhân mới vấp phải chỉ trích của một số nước
Làn sóng chính trị tại Liên minh châu Âu ngày càng ủng hộ điện hạt nhân như một giải pháp carbon thấp để chống lại biến đổi khí hậu. Pháp là quốc gia đi đầu trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn giữa các nước EU trong vấn đề năng lượng hạt nhân.
Mục tiêu của Liên minh điện hạt nhân mới do Pháp khởi xướng và dẫn dắt là tăng cường hợp tác giữa các nước châu Âu trong toàn bộ chuỗi cung ứng hạt nhân, thúc đẩy các dự án điện hạt nhân mới và phát triển các công nghệ lò phản ứng cỡ nhỏ. Pháp cho rằng liên minh này có thể giúp Pháp và châu Âu đạt được các mục tiêu khí hậu, nhất là sản xuất hydro "xanh" cho lĩnh vực vận tải và công nghiệp. 75% điện năng của Pháp đang được sản xuất từ điện hạt nhân.
Điện hạt nhân sẽ phục hưng nhưng điều này đang diễn ra ở một số nước, chứ không phải tất cả các nước EU. Liên minh năng lượng hạt nhân mới vấp phải chỉ trích của Áo, Đức, Luxembourg và Tây Ban Nha. Các nước này cho rằng ý tưởng phát triển các nhà máy điện hạt nhân mới không đáp ứng được yêu cầu thời gian đặt ra với các mục tiêu khí hậu bởi để xây dựng một dự án điện hạt nhân mới có thể mất tới 15 năm.
Bộ trưởng Môi trường Đức, Áo nhấn mạnh năng lượng hạt nhân không thể được coi là an toàn và nguy cơ tiềm ẩn từ những thảm họa hạt nhân có thể đầu độc hệ sinh thái của hành tinh trong nhiều thập kỷ tới.
Giới chức EU cho biết, sự bất đồng giữa các nước châu Âu về điện hạt nhân đã lan sang các chính sách khác. Tuần trước, các nước EU đã thất bại trong việc thống nhất về một dự án đường ống dẫn khí hydro trị giá hàng tỷ euro, cũng như các ưu tiên trong chính sách ngoại giao về biến đổi khí hậu.
Nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng đang kéo theo những hệ lụy ngày càng nặng nề, các quốc gia châu Âu đang thể hiện rõ nhu cầu "hồi sinh" điện hạt nhân, dù trước đó đã có quyết định loại bỏ hoàn toàn hoặc lên lộ trình từ bỏ từng phần. Theo nhận định của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, điện hạt nhân có thể trở lại vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc khả năng của các chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân trong việc huy động các khoản đầu tư cần thiết và việc nhanh chóng giải quyết các vấn đề về bội chi ngân sách, trì hoãn hạ tầng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!