Ở Mỹ, không có quy định bắt buộc về độ tuổi nghỉ hưu nhưng để được hưởng đầy đủ phúc lợi xã hội và bảo hiểm y tế, 65 tuổi là độ tuổi về hưu phổ biến đối với hầu hết công chức và người lao động. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người Mỹ mong muốn tiếp tục làm việc sau 65 tuổi, thậm chí sau 70 tuổi.
Hiện tại, ở Mỹ cứ 5 người già thì có 1 người vẫn làm việc. Đây là tỷ lệ cao nhất trong 55 năm qua. Tỷ lệ người già tiếp tục làm việc ở Mỹ dần tăng mạnh từ năm 2004 và dự báo đến năm 2024, sẽ có tới 36% người Mỹ, tuổi từ 65-69, tiếp tục tham gia thị trường lao động. Thậm chí, trong một khảo sát, có tới 80% người dân Mỹ hiện nay khẳng định họ vẫn sẽ làm việc khi về hưu. Đây là một xu hướng ngày càng rõ và ẩn sau nó là rất nhiều yếu tố tác động.
Lý do cơ bản nhất là do sức khỏe và tuổi thọ của người Mỹ ngày càng được nâng cao. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ đang là 79 tuổi. Tuổi thọ cao mà phải ở nhà nghỉ ngơi lâu với nhiều người sẽ rất khó khăn nhưng cũng có người tiếp tục làm việc để chứng minh họ vẫn còn đóng góp được cho xã hội.
Luật của Mỹ thì cấm phân biệt đối xử với người có tuổi từ 40 trở lên ở nơi làm việc nhưng chấp nhận người quá tuổi hưu vào làm hay không lại là quyền của chủ lao động, trừ những vị trí có tính chuyên môn cao, không thể thay thế, còn các vị trí khác thường khó tìm được việc ổn định.
Người cao tuổi sẽ đi kèm với nhiều chế độ phúc lợi phức tạp, chưa kể có thể ốm đau bất cứ lúc nào, ảnh hưởng tới năng suất lao động. Vì thế, muốn tiếp tục công việc, người cao tuổi thường xin làm dịch vụ cho chính những người cùng lứa tuổi hoặc việc thời vụ hay đi làm từ thiện.
Theo một khảo sát mới đây của Dropbox với 4.000 nhân viên công nghệ. Kết quả cho thấy người từ 55 tuổi trở lên thấy hứng thú với công nghệ mới hơn đồng nghiệp trẻ. Tuy nhiên, có một thực tế là người có tuổi thường bị nghĩ là ít sáng tạo hơn người trẻ, vì thế, trong thời đại cạnh tranh nhau về tốc độ, các công ty thường khó chấp nhận người có tuổi.
Ví như chính các hãng công nghệ lớn cũng chỉ sử dụng lao động trẻ. Tuổi trung bình nhân viên của Facebook là 29, Amazon và Google là 30.
Liệu người sau 30 có sức sáng tạo để phù hợp với xu hướng mới hay không thì chưa rõ nhưng một điều rõ ràng là các chủ doanh nghiệp vẫn muốn dùng người trẻ nhất có thể vào những lĩnh vực liên quan tới công nghệ mới.
Trên thực tế, tình trạng "phân biệt thế hệ" có xảy ra ở nhiều công ty khi mà những lao động trẻ hơn coi người lớn tuổi là thiếu nhạy bén với công nghệ. Tuy nhiên, rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện để thay đổi tư duy này. Ví như công ty công nghệ EverYoung ở Hàn Quốc có một chính sách rất đặc biệt là chỉ thuê những nhân viên trên 55 tuổi và khẳng định đội ngũ của mình vẫn vững vàng trong kỷ nguyên số và thực tế đã cho thấy việc người cao tuổi làm việc có những tác động tích cực cả với họ và với xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!