Xung đột Nga - Ukraine đã tác động sâu sắc đến tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, triển vọng về một giải pháp hòa bình chấm dứt xung đột vẫn còn xa vời.
Đạn pháo vẫn nổ, giao tranh tiếp diễn, 2 năm đã qua và cuộc xung đột vẫn tiếp tục dai dẳng ở miền Đông Ukraine. Theo Liên hợp quốc, hơn 10.000 người đã thiệt mạng, gần 20.000 người bị thương, 6,3 triệu người phải đi lánh nạn.
Trong 2 năm xung đột, phương Tây áp đặt hơn 17.000 lệnh cấm vận với các cá nhân, tổ chức Nga. Mỹ, Anh và EU đã hỗ trợ cho Ukraine hơn 180 tỷ USD và cam kết tiếp tục hỗ trợ hơn 100 tỷ USD trong những năm tới.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tuyên bố: "Chúng tôi tái khẳng định cam kết vững chắc của châu Âu trong việc sát cánh cùng Ukraine".
Vào thời điểm tròn 2 năm xung đột, Ukraine vừa ký kết các thỏa thuận an ninh với Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch nhằm tăng cường hợp tác, tìm kiếm hỗ trợ quân sự.
NATO cũng đang tăng cường mở rộng khối, chuẩn bị kết nạp thành viên thứ 32 là Thụy Điển sau khi kết nạp Phần Lan vào năm trước.
Một cuộc tập trận chung với quy mô lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh đang được NATO tiến hành với các hoạt động sát biên giới Nga.
Về phần mình, Nga cho biết 95% lực lượng vũ khí hạt nhân chiến lược của nước này đã được hiện đại hóa.
Trước đó, Nga nhiều lần khẳng định sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp trước các động thái mở rộng của NATO, đồng thời chỉ trích rằng hoạt động hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine chỉ làm phức tạp thêm tình hình.
Vùng Bakhmut tiêu điều trong cuộc chiến. (Ảnh: AP)
Bà Maria Zakharova, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, khẳng định: "Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả nhằm ngăn chặn các mối đe dọa đối với khả năng phòng thủ của đất nước".
Bất chấp các lệnh trừng phạt, kinh tế Nga vẫn trụ vững. Tăng trưởng GDP năm 2023 của Nga ở mức 3,6% và được dự báo ở mức 2,6% trong năm 2024. Mức tăng trường này là nhờ các chính sách ổn định kinh tế, xuất khẩu mạnh, chuyển dịch với các nước mà Nga gọi là quốc gia thân thiện. Trung Quốc, Ấn Độ thay thế châu Âu trở thành các khách hàng nhập khẩu dầu thô chính, chiếm khoảng 85% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga.
Đã có những nỗ lực giải quyết xung đột. Nga - Ukraine đã tham gia 5 vòng đàm phán tại Belerus, Thổ Nhĩ Kỳ nhưng đều bế tắc.
Điểm tích cực nhất là hai bên đã đạt được thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào ngày 22/7/2022. Thỏa thuận này được gia hạn 3 lần và hết hiệu lực vào 17/7/2023.
Nhờ thỏa thuận, gần 33 triệu tấn ngũ cốc và các sản phẩm thực phẩm khác đã được vận chuyển đến 45 quốc gia khác nhau.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhận định: "Đối thoại và đàm phán là lối thoát khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine".
Trong bối cảnh hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonia Guterres: "Hai năm trôi qua, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn là một vết thương hở ở trung tâm châu Âu. Đã đến lúc phải có hòa bình, một nền hòa bình công bằng dựa trên hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Đại hội đồng".
Những bế tắc trong giải quyết xung đột Nga - Ukraine và rộng hơn là các điểm nóng quốc tế khác đang đòi hỏi thế giới phải tăng cường hợp tác, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!