Nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5 độ C bất chấp COVID-19
2020 là một năm khắc nghiệt đối với cả thiên nhiên lẫn con người. Đại dịch COVID-19 khiến các hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, du lịch v.v.. bị đình trệ một thời gian dài. Đó "lẽ ra" phải là một cơ hội hồi sinh phần nào cho khí hậu. Thế nhưng, dù lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu có giảm tạm thời do đại dịch, "sự nóng lên của hành tinh chúng ta vẫn chưa giảm", theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres.
Hành tinh vẫn liên tục nóng lên bất chấp các tác động giảm nhiệt. (Ảnh: The Optimist)
Thậm chí theo báo cáo "United in Science 2020" do Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố, nồng độ khí nhà kính vẫn đang ở mức cao kỷ lục và đang trên đà tiếp tục tăng.
Báo cáo cho biết: Lượng khí thải CO2 toàn cầu đã giảm 17% vào đầu tháng 4 do nhiều chính phủ áp đặt lệnh giãn cách xã hội và hạn chế đi lại vì COVID-19. Mức giảm này là "chưa từng có". Tuy đã giảm, lượng CO2 thải ra trong tháng 4 vẫn ở mức cao, tương đương với lượng khí thải của năm 2006. Và đến đầu tháng 6, khi các lệnh hạn chế được nới lỏng, lượng phát thải CO2 hàng ngày trên toàn cầu đã phục hồi bằng với mức phát thải trong cùng kỳ năm 2019.
"Thế giới của chúng ta vẫn đi chệch hướng - còn rất xa - để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1,5 độ C. Nếu mọi thứ vẫn như cũ, nhiệt độ sẽ tăng 3 đến 5 độ so với mức thời kì tiền công nghiệp."- Ông Guterres nói trong một cuộc họp báo tại Liên hợp quốc.
Giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020 dự kiến là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận trên trái đất, với nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu cao hơn thời kỳ tiền công nghiệp là 1,1 độ C. Và năm 2020 hiện là năm ấm thứ hai được ghi nhận, chỉ sau năm 2019, theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA)
Mịt mù Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sau 5 năm được kí kết
Tròn 5 năm trước, hơn 190 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. (Ảnh: vcci.com.vn)
Các mục tiêu tham vọng được đặt ra. Hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Khoảng 5.000 người trong phòng họp gần như đều hân hoan với những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc, những tràng pháo tay giòn giã sau 13 ngày đàm phán căng thẳng.
Các mục tiêu tham vọng được đặt ra tại COP21. (Ảnh: AFP)
Lẽ ra, 5 năm sau đó, thế giới phải được chứng kiến những kết quả đáng mừng. Bởi ngày 31/12/2020 tới là hạn chót về việc các quốc gia phải nâng mức cam kết cắt giảm khí thải. Nhưng cho tới nay, chưa đến 20 quốc gia trong nhóm phát thải khoảng 5% khí thải toàn cầu nộp được bản kế hoạch mới.
5 năm sau khi Thỏa thuận Paris được ký kết, hàng loạt các cảnh báo cấp bách về thiên tai khí hậu vẫn đang được đưa ra, các chính phủ vẫn dè dặt trong chính sách về khí hậu.
Hiện tượng La nina gây tác động giảm nhiệt, vẫn không cản trở được sự nóng lên của khí hậu
Năm 2020, trái đất chứng kiến hiện tượng La nina, khiến mùa mưa lũ trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu như El Nino là hiện tượng nước biển nóng lên, khiến nhiệt độ nhiều nơi trên trái đất cao kỷ lục, thì La Nina lại trái ngược hoàn toàn. La Nina là hiện tượng nước biển lạnh đi so với bình thường, xảy ra sau khi hiện tượng El Nino kết thúc.
Hiện tượng La Nina có thể gây mưa lũ tại nhiều nơi trên thế giới. Thường bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, La Nina năm nay lại bắt đầu từ tháng 8, được dự báo sẽ kéo dài cho tới năm 2021. Đó là lý do vào cuối năm nay, thế giới liên tiếp đối mặt với những cơn bão mạnh tại Đông Nam Á, Nam Á và nhiều nơi ở Australia.
Hiện tượng La Nina gây lũ lụt nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: CNN)
La Nina lẽ ra sẽ khiến khí hậu lạnh đi. Nhưng người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Petteri Taalas lại đưa ra cảnh báo: "Ngay cả khi La Nina diễn ra trong năm 2020, tác động làm lạnh khí hậu của hiện tượng này cũng không đủ để bù lại tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, làm khí hậu nóng lên."
Những trái đắng biến đổi khí hậu không thể được ngăn cản bằng hai từ "lẽ ra"
Hệ quả của nhiệt độ tăng đã hiện hữu. Trong năm 2020, các đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng hủy diệt, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng liên tục xảy ra, cướp đi hàng nghìn sinh mạng, khiến cuộc sống của người dân nhiều nơi trở nên điêu đứng. Một số vụ thiên tai điển hình có thể kể đến:
Cháy rừng ở Australia (10/2019 - 3/2020)
Bắt đầu từ tháng 10/2019 do hạn hán kéo dài trên khắp đất nước, trong vài tháng tiếp theo, đám cháy lan nhanh và rộng, không có dấu hiệu dừng lại, khiến Australia phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở nhiều bang.
Cháy rừng tại Australia. (Ảnh: CNN)
Với mức độ thiệt hại ước tính khoảng 18 triệu ha, hơn 9000 tòa nhà và ngôi nhà bị phá hủy, cháy rừng đã cướp đi mạng sống của hơn 400 người, đây được coi là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất.
Lũ lụt tại Indonesia (Tháng 1/2020)
Lũ lụt xảy ra ở thủ đô Jakarta của Indonesia và khu vực xung quanh do cơn mưa lớn khiến nước sông tràn bờ. Ít nhất 66 người đã thiệt mạng và 60.000 người phải sơ tán trong trận lũ lụt tồi tệ nhất ở khu vực kể từ năm 2007.
Lũ lụt ở Indonesia. (Ảnh: Indonesia expat)
Đại dịch châu chấu sa mạc (6/2020)
Đây là một trong những cuộc tấn công địch hại tồi tệ nhất trong gần 26 năm, sự gia tăng đột ngột của những con châu chấu sa mạc ở nhiều quốc gia Châu Phi cho tới châu Á như Ấn Độ, Bangladesh xảy ra do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng giúp cho việc sinh sản và sinh sống của châu chấu thuận lợi hơn.
Đại dịch châu chấu sa mạc tại châu Phi. (Ảnh: Reuters)
Và còn rất nhiều vụ thiên tai khác của năm 2020 như cháy rừng ở Mỹ, mưa bão tại châu Á, Trung Mỹ khiến cuộc sống người dân trên thế giới điêu đứng.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nếu như các nước không thực hiện tốt mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, trong vòng 30 năm tới, người dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ mất an ninh lương thực gia tăng cho đến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên. Số người sống ở các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng từ 42% đến 95%, tương đương 2,7 đến 3,2 tỷ người. Người dân ở Châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ phải đối mặt với việc giảm lượng nước cung cấp nhiều nhất.
Xây dựng một xã hội ứng phó với thảm họa
Việc làm chậm lại quá trình nóng lên của trái đất là điều mà các quốc gia vẫn đang nỗ lực thực hiện. Nhưng từ nay cho tới lúc thế giới có thể nhìn thấy một kết quả rõ ràng, chắn chắn vẫn sẽ còn nhiều đợt thiên tai diễn ra.
Vậy nên, để chống chọi lại với những thảm họa thiên nhiên trong ngắn hạn, người dân các nước cần học cách "sống chung với lũ" bằng cách xây dựng những cộng đồng và cơ sở hạ tầng để ứng phó với thảm họa.
Đây là một số thiết kế mà các chuyên gia xây dựng cho rằng có thể chống chọi với thiên tai trong tương lai:
Những tòa nhà mái vòm
Kiến trúc mái vòm đã ra đời từ những năm 1910 và phát triển đến nay. Các chuyên gia cho rằng kiểu nhà mái vòm có thể giải tỏa bớt sự cản gió, bão trong thiên tai. Dạng nhà chắc chắn này còn có thể được xây dựng nhanh chóng.
Những công trình nổi
Nhà nổi. (Ảnh: Archdaily.com)
Một số kiến trúc sư khác thì tin rằng các khu dân cư nên tồn tại hài hoà với nước, thay vì chống lại mỗi khi có lão lụt. Đó là lý do chúng ta nên xây dựng thêm nhiều công trình trên mặt nước hơn là trên đất liền. Tình trạng mực nước biển dâng cao cũng là một thực tế mà các thành phố cần phải chấp nhận và chuẩn bị phương án đối phó.
Những công trình ẩn mình với thiên nhiên
Thay vì xây dựng các tòa nhà trên mặt đất, những tòa nhà này - thường được xây dựng nương theo các cấu trúc tự nhiên của sườn đồi, tiết kiệm diện tích và năng lượng. Việc được thiên nhiên che chắn bớt cũng giúp những ngôi nhà này tránh được nhiều thiệt hại trước mưa to gió lớn, thậm chí là cả cháy rừng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!