Malaysia đã cấm xuất khẩu thịt gà, trong khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và đường... Chủ nghĩa bảo hộ lương thực nổi lên ở thời điểm này có thể khiến chi phí tiếp tục leo thang. Việc đảm bảo nguồn cung lương thực sẽ là vấn đề gây lo ngại lớn trong thời gian tới nếu không chú trọng đến việc tăng sản lượng, ổn định thị trường và tháo gỡ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới, năm 2022 là một năm khủng khiếp đối với lương thực thế giới, khi biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và xung đột làm gia tăng đói nghèo và đẩy giá lương thực tăng cao.
Ông David Beasley, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới, cho biết: "Hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. Hơn 800 triệu người đi ngủ mỗi đêm với cái bụng đói. Nạn đói đang tấn công 43 quốc gia. Và nạn đói sẽ dẫn đến bất ổn cũng như tình trạng di cư ồ ạt".
Điều cần làm hiện nay là các quốc gia phải hành động cùng nhau, bắt đầu bằng cách giữ cho thị trường mở.
Tuần qua, Indonesia, nước cung cấp 60% dầu cọ của thế giới, đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tạm thời. Liên minh châu Âu cũng đưa ra đề nghị hỗ trợ Ukraine vận chuyển ngũ cốc của nước này qua các tuyến đường sắt và đường bộ đến những cảng ở Romania hoặc biển Baltic trong khi cảng Odessa chưa dỡ phong tỏa.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên các nguồn cung cấp ngũ cốc khẩn cấp cho những nước nghèo nhất. Xóa nợ cũng có thể giúp giải phóng các nguồn lực quan trọng.
Hiện có 325 triệu người trên khắp thế giới đang tiến đến bờ vực của nạn đói. (Ảnh: AP)
Ông Achim Steiner, Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nhận định: "Giá cả lương thực trên thị trường thế giới tăng cao, gây tổn hại tới không gian tài khóa, hay có thể hiểu là khả năng huy động tiền của các chính phủ. Chúng tôi ước tính, có khoảng 80 quốc gia đang đối mặt với nguy cơ nợ nần trong năm nay".
Bên cạnh những giải pháp cấp bách là hỗ trợ nhân đạo cho các nước thiếu lương thực, khôi phục chuỗi cung ứng và kiềm chế áp lực tăng giá nông sản, về dài hạn phải xây dựng nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Bà Annalena Baerbock, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức, cho biết: "Đức đang chi 4 tỷ Euro liên quan đến an ninh lương thực trong năm nay. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn xa hơn. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tập trung vào tất cả các yếu tố góp phần gây ra nạn đói. Chúng ta phải giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng ta phải giúp người nông dân ít bị tổn thương hơn trước hạn hán và mưa lũ".
Ngày 22/5 vừa qua, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi hành động toàn cầu nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay.
Trước đó, Ngân hàng Thế giới tuyên bố sẽ dành 12 tỷ USD cho các dự án mới để ứng phó với cuộc khủng hoảng lương thực trong 15 tháng tới. Các quỹ này được dành để hỗ trợ nông nghiệp ở các quốc gia khó khăn nhất, đặc biệt sẽ tập trung tài trợ cho các dự án cấp nước và tưới tiêu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!