Ấn Độ chấm dứt đi lại tự do qua biên giới với nước láng giềng Myanmar

Quỳnh Chi (Theo RT)-Thứ năm, ngày 04/01/2024 09:40 GMT+7

(Ảnh: The Times of India)

VTV.vn - Ấn Độ đang xem xét chấm dứt Chế độ đi lại tự do (FMR) tại biên giới Ấn Độ - Myanmar.

Chế độ đi lại tự do (FMR) tại biên giới Ấn Độ - Myanmar cho phép người dân cư trú ở hai bên vượt qua 16 km vào lãnh thổ của nhau mà không cần thị thực.

Theo Liên hợp quốc, động thái trên diễn ra trong bối cảnh giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang bắt đầu diễn ra vào tháng 10/2023 và đã lan rộng ra hơn 2/3 lãnh thổ nước này.

Cuộc giao tranh đã gây ra tình trạng sơ tán hàng loạt, trong đó hàng nghìn người đã nhập cư vào Ấn Độ. Thực trạng này được cho là làm tăng nguy cơ Ấn Độ sẽ bị các nhóm chiến binh xâm nhập, bao gồm số lượng nhiều hơn những đối tượng buôn lậu ma túy và vàng. Các quan chức Chính phủ Ấn Độ tin rằng chế độ đi lại tự do (qua biên giới) cũng cho phép các nhóm nổi dậy ở các bang phía Đông Bắc Ấn Độ thực hiện những cuộc tấn công và trốn thoát về phía Myanmar.

Theo báo Indian Express, chính quyền trung ương nước này đã quyết định mời các nhà thầu xây dựng hệ thống hàng rào thông minh tiên tiến trên toàn bộ chiều dài biên giới Ấn Độ - Myanmar, các nguồn tin cho biết. "Việc làm hàng rào sẽ được hoàn thành trong 4 - 5 năm tới. Bất kỳ ai đi qua sẽ phải xin thị thực", nguồn tin nói với Indian Express.

Diễn biến này diễn ra một ngày sau khi nhân viên an ninh Ấn Độ bị tấn công ở Moreh, một thị trấn nằm dọc biên giới quốc tế dài 398 km bị xung đột chia cắt bang Manipur của Ấn Độ và Myanmar. Chính quyền bang Manipur hôm thứ 2/1 cho biết, họ nghi ngờ có sự liên quan của "lính đánh thuê từ Myanmar" trong vụ tấn công. Trong một vụ việc khác, 4 nhân viên an ninh đã bị thương trong cuộc đấu súng với những kẻ tình nghi là quân nổi dậy ở Moreh vào tuần trước.

Sau vụ việc hôm 2/1, Thủ hiến bang Manipur N. Biren Singh hứa sẽ thực hiện "tất cả các biện pháp ứng phó có thể", nói rằng chính quyền bang đã liên hệ với chính phủ liên bang để thảo luận về những diễn biến này. Vào tháng 9/2023, ông Singh kêu gọi chính phủ liên bang hủy bỏ vĩnh viễn chế độ đi lại tự do dọc biên giới Ấn Độ - Myanmar nhằm hạn chế việc nhập cư bất hợp pháp.

Bang Manipur có chung khoảng 390 km biên giới với Myanmar, trong đó chỉ có khoảng 10 km có hàng rào. Tháng 12/2023, ông Singh thông tin, khoảng 6.000 người từ Myanmar đang trú ẩn ở bang Manipur do làn sóng giao tranh mới giữa quân đội nước này và các nhóm chiến binh đã nổ ra trong nhiều tháng qua.

Ông Singh nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp an ninh như sử dụng "hệ thống sinh trắc học" ở các khu vực giáp biên giới Myanmar.

Địa hình ở biên giới Ấn Độ - Myanmar được coi là dễ bị tổn thương do cơ sở hạ tầng quân sự không đầy đủ và thường xuyên bị các nhóm nổi dậy của cả hai nước tấn công. Do tính chất lỏng lẻo của dải biên giới này, các nhóm chiến binh đã có thể phát triển sự hiện diện mạnh mẽ ở cả hai nước.

Tình hình ở khu vực biên giới có nguy cơ đe dọa an ninh chung của bang Manipur, địa phương đã hứng chịu bạo lực sắc tộc kể từ tháng 5/2023. Ít nhất 175 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ và hàng chục nghìn người phải di dời.

Hôm 1/1, 4 thường dân đã thiệt mạng và 2 người bị thương nặng ở khu vực Lilong Chingjao. Chính quyền bang Manipur và Chính phủ liên bang Ấn Độ đang nỗ lực hạn chế bạo lực thông qua các lệnh giới nghiêm, đình chỉ Internet và triển khai thêm nhân viên an ninh.

Hơn 50 người chết, hàng trăm người nhập viện vì bạo lực sắc tộc ở Manipur, Ấn Độ Hơn 50 người chết, hàng trăm người nhập viện vì bạo lực sắc tộc ở Manipur, Ấn Độ

VTV.vn - Bạo lực sắc tộc ở bang Manipur, Ấn Độ đã khiến ít nhất 55 người thiệt mạng, theo thống kê của các bệnh viện ở thành phố Imphal, bang Manipur.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước