Đây là thông tin do các quan chức chính phủ và đại diện ngành công nghiệp Án Độ đưa ra.
Các lô hàng lúa mì được phép xuất khẩu chủ yếu đến Bangladesh, Philippines, Tanzania và Malaysia. Quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết, lệnh cấm đã khiến lượng lúa mì xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống 1,13 triệu tấn trong tháng 5, từ mức kỷ lục 1,46 triệu tấn hồi tháng 4.
Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, đã áp đặt lệnh cấm chung đối với xuất khẩu lúa mì vào ngày 14/5 do đợt nắng nóng gay gắt làm giảm sản lượng lúa mì và đẩy giá trong nước lên mức cao kỷ lục.
Các trường hợp ngoại lệ được phép xuất khẩu lúa mì gồm những lô hàng được hỗ trợ bằng thư tín dụng đã được phát hành và những lô hàng xuất đến các quốc gia yêu cầu cung cấp để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực cấp thiết của họ.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi số lúa mì nói trên được chuyển đi, ít nhất 1,7 triệu tấn vẫn chất đống tại các cảng khác nhau tại Ấn Độ, ba đại lý của các công ty thương mại toàn cầu nói với hãng tin Reuters.
Trước khi có lệnh cấm, các nhà xuất khẩu lúa mì đã chuyển một lượng lớn bất thường mặt hàng này đến nhiều cảng của Ấn Độ, bởi vì vụ mùa sau đó được kỳ vọng sẽ tăng mạnh về sản lượng. Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ khuyến khích thay thế nguồn cung lúa mì ở Biển Đen đang bị giảm mạnh vì cuộc chiến ở Ukraine.
Họ dự kiến New Delhi sẽ cho phép xuất khẩu lượng lúa mì từ 8 đến 10 triệu tấn hoặc thậm chí nhiều hơn trong năm nay, so với 7,2 triệu tấn vào năm 2021.
Chính phủ Ấn Độ cần cấp giấy phép xuất khẩu ngay lập tức, vì lúa mì tại các cảng được đóng gói lỏng lẻo và do đó dễ bị ảnh hưởng bởi mưa gió mùa, một đại lý của một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại New Delhi cho biết.
Ấn Độ nhận được lượng mưa lớn trong mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9.
"Chính phủ cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhưng nếu các kho dự trữ bị hư hại do mưa, nó sẽ không phục vụ được cho bất kỳ mục đích nào", đại lý này cho biết.
Đại lý có trụ sở tại Mumbai nhận định, việc chuyển lúa mì trở lại các cảng và vào các thị trấn nội địa để tiêu thụ tại chỗ là không khả thi, vì các thương nhân sẽ phải chịu thêm tổn thất về phí bốc xếp và vận chuyển.
Ấn Độ đã nhận được yêu cầu cung cấp hơn 1,5 triệu tấn lúa mì từ một số quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!