Gia tăng các cuộc tập trận ở khu vực
Ngày 11/4, Philippines và Mỹ khởi động cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất trong lịch sử. Hơn 17.000 binh sĩ của hai nước - gồm 12.200 lính Mỹ, 5.400 lính Philippines và hơn 100 binh sĩ Australia - tham gia cuộc tập trận thường niên có tên Balikatan (Vai kề vai). Đây là lần đầu tiên hai nước đưa vào nội dung tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông.
Cuộc tập trận này kéo dài hai tuần, tới ngày 28/4. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, lần đầu tiên các lực lượng diễn tập đổ bộ lên đảo Palawan, phía Tây Philippines. Quân đội Mỹ cũng huy động tên lửa Patriot và hệ thống tên lửa có độ chính xác cao HIMARS trong cuộc diễn tập quân sự này.
Thiếu tướng Eric Austin - Đại diện giám sát cuộc tập trận của phía Mỹ (Ảnh: AP)
Thiếu tướng Eric Austin - Đại diện giám sát cuộc tập trận của phía Mỹ - cho biết: "Quân đội Philippines và Mỹ tập trận với số người tham gia lớn, thể hiện cam kết của chúng tôi về hiệp ước phòng thủ chung hai nước. Thông qua cuộc tập trận này, các lực lượng của Philippines và Mỹ sẽ nâng cao khả năng phối hợp tác chiến, nâng cao trình độ và bổ sung khả năng tương hỗ thông qua hợp tác, đảm bảo chúng ta cùng nhau sẵn sàng ứng với các thách thức".
Không chỉ tập trận song phương mà trong khu vực cũng chứng kiến các cuộc tập trận đa phương.
Vào đầu tháng 4, lần đầu tiên hải quân 3 nước Nhật - Mỹ - Hàn diễn tập tác chiến chống tàu ngầm, trong khi, diễn tập tìm kiếm và cứu nạn ba bên lần này được nối lại lần đầu tiên sau 7 năm như một phần trong nỗ lực nhằm tăng cường sự ổn định hợp tác an ninh giữa ba nước.
Trong khi đó, tình hình eo biển Đài Loan cũng nóng lên với cuộc tập trận của Trung Quốc xung quanh đảo Đài Loan từ ngày 8 đến 10/4.
Cuộc tập trận "Liên Hợp Lợi Kiếm" kéo dài 3 ngày tập trung nhiều vào sức mạnh không quân. 200 lượt máy bay chiến đấu Trung Quốc bao gồm nhiều loại như máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm, máy bay vận tải quân sự... và hàng chục lượt tàu chiến đã diễn tập tấn công các mục tiêu giả định.
Ngoài ra, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan.
Cũng giống như cuộc tập trận vào tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc cũng tiến hành mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa có độ chính xác cao vào các vị trí xung quanh đảo Đài Loan.
Những gì đang diễn ra cho thấy môi trường an ninh, chính trị của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. So với các khu vực khác trên thế giới như châu Âu hay châu Mỹ đã có cấu trúc hợp tác tương đối ổn định, môi trường an ninh của châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang trong giai đoạn định hình với nhiều xu hướng và toan tính khác nhau.
Chính sự cạnh đua tranh giữa các nước lớn, sự giằng chéo về mục tiêu, đan xen về mô hình, đa dạng về cách thức xây dựng và nội dung cũng như tính chưa ổn định của cấu trúc hợp tác an ninh chiến lược khiến các nước châu Á - Thái Bình Dương luôn phải đề phòng nguy cơ các bất đồng, mâu thuẫn bị đẩy lên thành xung đột. Các nguy cơ xung đột ở đây không chỉ diễn ra giữa nước lớn với nước lớn, nước lớn với nước nhỏ mà cả giữa nước nhỏ với nhau.
Để tự bảo vệ mình và củng cố an ninh, mỗi quốc gia có một lựa chọn. Trung lập, không liên minh, và không chọn bên kết cũng là một lựa chọn. Bên cạnh đó, có những lựa chọn khác như liên minh quân sự với các nước lớn. Và trong thời kỳ biến động như thế này, các liên minh quân sự ở khu vực càng được củng cố với mức độ sâu sắc hơn.
Đa dạng hợp tác quốc phòng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng giữa Mỹ và Philippines tại Washington, Mỹ được tổ chức lần đầu tiên sau 7 năm.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Enrique Manalo (Ảnh: Reuters)
Ông Enrique Manalo - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines - khẳng định: "Tại cuộc họp hôm nay, chúng tôi đã tăng gấp đôi cam kết hiện đại hóa quan hệ đồng minh Philippines - Mỹ, quan hệ đối tác của chúng tôi sẽ đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp".
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP)
Ông Antony Blinken - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ - cho biết: "Trong nhiều thập kỷ, chúng tôi đã làm việc cùng nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực và chúng tôi đang phát triển mối quan hệ đối tác hiệu quả đó về quy mô và phạm vi mỗi ngày, bao gồm cả thông qua các cuộc thảo luận rất hữu ích và phong phú".
Đi kèm với các tuyên bố của các Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cam kết cung cấp cho Philippines các nền tảng phòng thủ phòng không và phòng thủ bờ biển trong 5 - 10 năm tới.
Trước cuộc gặp 2+2 này, Mỹ và Philippines đã thống nhất mở rộng Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, ngoài 5 căn cứ đã có sự hiện diện của quân đội Mỹ trước đó. Thỏa thuận Tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ tại Philippines để tiến hành công tác huấn luyện chung, thiết lập trước trang thiết bị và xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường băng, kho nhiên liệu và hạ tầng quân sự, nhưng không phải là sự hiện diện mang tính thường trực.
Ngoài tăng cường hợp tác quân sự song phương, Philippines đã lên kế hoạch thiết lập một khuôn khổ an ninh ba bên với Mỹ và Nhật Bản (gọi tắt là JAPHUS).
Các chuyên gia cho rằng, JAPHUS sẽ không là một liên minh quân sự mà chỉ là một cơ chế hợp tác an ninh.
Nhưng việc Mỹ, Nhật Bản thúc đẩy các cơ chế hợp tác an ninh tương tự trong khu vực đã gây nên phản ứng từ Trung Quốc.
Dù chưa hình thành nhưng cục diện an ninh Đông Á dự báo sẽ thêm phức tạp khi ngoài JAPHUS còn có các cơ chế đa phương khác như QUAD (Tứ giác an ninh - Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), AUKUS (thỏa thuận quốc phòng 3 bên Mỹ, Anh, Australia) và liên minh Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc.
Một đối tác trong cơ chế JAPHUS là Nhật Bản vừa qua cũng nâng tầm quan hệ với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Hai bên đã đạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, an ninh hàng hải, mở rộng lực lượng tham gia các cuộc tập trận.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (Ảnh: AP)
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tuyên bố: "Hôm nay, chúng tôi cam kết nâng cao hơn nữa hợp tác Nhật Bản - NATO nhằm duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở".
Theo các chuyên gia, mô hình hợp tác song phương hoặc đa phương với ít thành viên đang trở thành xu hướng phát triển ở khu vực, trong bối cảnh các mô hình hợp tác đa phương với nhiều thành viên vốn khó có thể đạt đồng thuận cao, nhất là khi cục diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang bị tác động mạnh bởi mối quan hệ đầy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Philippines và Mỹ làm sâu sắc hợp tác quốc phòng
Cùng với các chuyển động về an ninh quốc phòng, năm nay nhiều quốc gia đang vung tiền chi tiêu quân sự, trong đó Mỹ đứng đầu danh sách với ngân sách 817 tỷ USD cho Lầu năm góc. Trung Quốc dành 224 tỷ USD cho ngân sách quốc phòng.
Trong khi đó, Nhật Bản đã lên kế hoạch ngân sách quốc phòng trị giá gần 52 tỷ USD, cao hơn 26,3% so với năm trước. Nhật bản còn lên kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới, điều này sẽ khiến chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ cao thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ấn Độ dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 13%. Các quốc gia khác như Australia và một số nước Đông Nam Á cũng đang tìm cách tăng chi tiêu quốc phòng.
Các nước tăng cường tiềm lực quân sự
Trong kỳ họp quốc hội tháng 3 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 7,2% trong năm nay, tương đương 1,55 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 224 tỷ USD). Việc tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay đánh dấu lần tăng thứ 8 liên tiếp của Trung Quốc, không có phân tích chi tiêu nào được đưa ra.
Ông Wang Chao - Người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc - cho biết: "Việc tăng chi tiêu quốc phòng là cần thiết vừa để đối phó với những thách thức an ninh phức tạp, vừa để thực hiện trách nhiệm của một cường quốc. Chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, tính theo tỷ trọng GDP, vẫn ổn định trong những năm qua và thấp hơn mức trung bình của thế giới".
Còn Nhật Bản, nước này cuối năm ngoái quyết định dành 320 tỷ đô la, tương đương với 2% GDP, để tăng cường tiềm lực quốc phòng đến năm 2027. Kho vũ khí được Nhật Bản dự tính mua được đánh giá vượt qua mức độ "phòng thủ" theo Hiến pháp hòa bình từ năm 1945. Điểm thay đổi quan trọng là lực lượng quân sự Nhật Bản được phát triển khả năng tấn công một căn cứ của kẻ thù nếu căn cứ đó được xác định là sắp được sử dụng để tấn công Nhật Bản.
Tăng ngân sách quốc phòng cũng là quyết định của Ấn Độ. Tháng 2 năm nay, quốc gia Nam Á này công bố ngân sách quốc phòng là 5,94 nghìn tỷ Rupee (72,6 tỷ USD) cho năm tài khóa 2023 - 2024, tăng 13% so với ước tính ban đầu, nhằm bổ sung thêm dàn máy bay chiến đấu và xây đường dọc biên giới đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Tháng 3 vừa qua, Australia đã có thương vụ quốc phòng lớn nhất lịch sử nước này. Theo thỏa thuận AUKUS, nước này sẽ mua tối đa 5 tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ tổng trị giá 15 tỷ USD. Đây là một phần của kế hoạch trị giá 200 tỷ USD để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh. Chỉ vài ngày sau, Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese tuyên bố chi 1,3 tỷ USD mua 220 tên lửa hành trình Tomahawk, để trang bị cho tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.
"Sở hữu tên lửa tấn công tầm xa là một khả năng thực sự quan trọng đối với đất nước. Nó cho phép chúng tôi có thể vươn ra ngoài bờ biển xa hơn và đó là cách chúng tôi có thể giữ cho Australia an toàn" - Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết.
Trong khi đó, Malaysia cũng tiến hành mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc. Philippines đang lên kế hoạch mở rộng các đường băng và hải cảng để chuẩn bị cho sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực trong nhiều thập kỷ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!