Các loại phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô và xe máy lâu nay hầu hết vẫn phụ thuộc vào những nhiên liệu quen thuộc như xăng hay dầu diesel. Dù vậy, do vấn đề ô nhiễm môi trường, một số quốc gia châu Âu đang có kế hoạch dần từ bỏ hai loại nhiên liệu truyền thống này để chuyển sang năng lượng sạch.
Theo tờ The Guardian, đầu tháng 7/2017 chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch chấm dứt bán ra các phương tiện chạy xăng và dầu diesel bắt đầu từ năm 2040 để bảo vệ môi trường. Thông báo đưa ra chỉ một ngày sau khi hãng xe hơi Volvo Thụy Điển cho biết từ năm 2019 trở đi sẽ hoàn toàn tập trung sản xuất các loại ô tô sử dụng năng lượng điện hoặc xe lai điện và xăng. Nhiều quốc gia châu Âu khác như Na Uy, Hà Lan hay Đức cũng công bố kế hoạch tương tự với lộ trình 8 đến 13 năm tính từ thời điểm hiện tại.
Bloomberg trích đăng dự đoán của tập đoàn dầu khí lớn nhất châu Âu Shell cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ chạm đỉnh trong khoảng 15 năm tới, sau đó giảm mạnh. Thị trường dầu và ngành lọc hóa dầu sẽ đảo lộn hoàn toàn do sự phát triển các phương tiện chạy điện. Shell cũng tập trung đầu tư 1 tỷ USD vào năng lượng sinh học và hydrogen, mang lại cho hãng này 3,6 tỷ USD lợi nhuận trong quý cuối năm 2016.
Cũng theo tờ The Guardian, tính riêng ở Anh, xe hơi và xe tải mới chạy xăng và dầu diesel sẽ bị cấm bán ra cùng thời điểm với Pháp, vào năm 2040. Các quan chức nước này cho rằng, chất lượng không khí dưới mức đảm bảo là yếu tố môi trường ảnh hưởng xấu nhất đến sức khỏe cộng đồng, khiến nền kinh tế Anh thiệt hại tới 2.7 tỷ Bảng do giảm năng suất lao động trong một năm trở lại đây.
Trong nỗ lực về cải thiện tình hình môi trường, chính phủ Anh đã dự phòng 3 tỷ Bảng, trong đó 1 tỷ Bảng để chi cho việc đẩy mạnh sử dụng các phương tiện có mức phát thải cực thấp. 100 triệu Bảng cũng được dành để đầu tư vào hệ thống hạ tầng sạc điện cho các loại xe chạy bằng năng lượng điện.
Mặc dù vậy, tờ Independent lại đưa ra quan điểm không mấy lạc quan về kế hoạch trên. Báo này lo ngại, chi phí để chuyển hoàn toàn các trạm xăng sang thành trạm sạc điện và tiêu hủy hàng triệu chiếc xe chạy dầu có thể sẽ lên tới hàng nghìn tỷ Bảng. Đại diện một doanh nghiệp cũng cho biết, động thái này sẽ ảnh hưởng đến khoảng hơn 800.000 lao động tại Anh đang làm việc trong ngành sản xuất xe hơi.
Yếu tố thời gian cũng được cho là rất quan trọng, khi nhiều ý kiến cho rằng 20 năm nữa để cấm hoàn toàn việc bán mới xe chạy xăng và dầu là quá ngắn. Dù nhu cầu đang gia tăng, thị trường cũng cần thời gian để thích nghi với kế hoạch mới, do giá cả, sự đa dạng và độ tiện lợi của các loại phương tiện sử dụng năng lượng thay thế như điện hay khí hydro vẫn còn chưa thực sự đủ để đại bộ phận người dân có thể tiếp cận.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!