Theo nguồn tin của Chính phủ Mỹ, hiện Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề Syria sau cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu. Còn tại châu Âu, các đồng minh của Mỹ là Anh và Đức đã lần lượt bày tỏ quan điểm về việc có sát cánh cùng Mỹ trong hoạt động quân sự nhằm vào Syria, liên quan đến nghi vấn vũ khí hóa học được sử dụng ở thị trấn Douma.
Ngày 12/4, Thủ tướng Anh Theresa May đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các thành viên nội các. Sau 2 giờ họp kín, toàn bộ Chính phủ Anh đã nhất trí với nhận định của Thủ tướng May rằng London cần phải có hành động đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, mở đường cho việc Anh tham gia các hoạt động tấn công quân sự chung do Mỹ đứng đầu nhằm vào chính quyền của Tổng thống Assad.
Tuy nhiên, một số đảng đối lập và một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đang lên tiếng phản đối và đề nghị phải thông qua vấn đề này trước Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì ủng hộ chính sách đối ngoại của Mỹ, Chính phủ Anh nên tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao để giải quyết tình hình Syria và tránh làm trầm trọng cuộc xung đột trong khu vực.
Một quốc gia đầu tàu khác của châu Âu là Đức, ngày 12/4, tuyên bố sẽ không tham gia bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào nhằm vào chính quyền Syria. Theo Thủ tướng Angela Merkel, Đức ủng hộ các nỗ lực điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và sẽ hỗ trợ nếu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc muốn tiến hành các bước "vượt ra khỏi biện pháp ngoại giao".
Đức hiện đang triển khai các chuyến bay do thám và tiếp nhiên liệu trong chiến dịch chống IS tại Syria. Bất kỳ vai trò quân sự lớn hơn nào của Đức sẽ cần phải có sự thông qua của Quốc hội nước này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!