Thực trạng trên đã biến khu vực này trở thành điểm đến nhập khẩu rác nhiều nhất thế giới. Tổ chức Hòa bình Xanh Đông Á Greenpeace mới đây cảnh báo, khu vực Đông Nam Á hiện đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi chứa nhựa tái chế toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Greenpeace, năm 2018, Trung Quốc, nhà nhập khẩu nhựa phế liệu lớn nhất thế giới, chỉ nhập 51.000 tấn rác nhựa, bằng chưa đầy 1% so với năm 2017. Ngược lại, lượng rác nhựa nhập khẩu vào Malaysia tăng 60%, lên 870.000 tấn; vào Thái Lan tăng gấp hơn 3 lần, lên 480.000 tấn. Còn tại Indonesia, trong năm 2018, lượng rác thải nhựa nhập khẩu vào nước này đã phá kỷ lục trong hàng thập kỷ qua, lên tới tổng cộng 283.000 tấn, với mức tăng tới hơn 140%.
Nhận thức được mối nguy hại của những bãi rác thải ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của các cộng đồng dân cư, một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu có những bước đi cứng rắn, tuyên bố sẽ “trả rác về nơi sản xuất”. Cuối tháng 5 vừa qua, Malaysia đã tuyên bố trả lại hàng trăm tấn rác nhập lậu từ nhiều nước gồm: Nhật Bản, Mỹ và Australia.
Cũng trong cuối tháng 5/2019, Philippines trả lại 69 container rác từ Canada. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí còn triệu Đại sứ của quốc gia Bắc Mỹ này tới để phản đối, khiến Ottawa chấp nhận nhận lại số rác. Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, cũng đã tham gia cuộc chiến nói không với rác nhập khẩu. Giữa tháng 6, Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia thông báo nước này trả lại 5 container chứa rác thải độc hại về Mỹ.
Giống như một số quốc gia Đông Nam Á, Campuchia đang chứng kiến tình trạng nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển khác tăng vọt trong năm 2019. Mới đây, giới chức Campuchia khẳng định, quốc gia này sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép rác thải nhựa sau khi phát hiện 83 container rác thải tại một cảng biển hồi tháng 7/2019.
Để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu trái phép rác thải nhựa và rác thải độc hại, các cơ quan chức năng Campuchia, đặc biệt là hải quan, sẽ tăng cường kiểm tra và hợp tác chia sẻ thông tin với những quốc gia khác trong khu vực. Những công ty bị phát hiện nhập khẩu rác thải nhựa và các loại rác thải độc hại sẽ bị phạt và phải gửi trả cho quốc gia mà những kiện rác thải này được xuất đi.
Các nước giàu không thể tự ý chuyển rác sang nước nghèo, đây là tuyên bố của LHQ trong lễ ký kết một thỏa thuận môi trường tại Geneve, Thụy Sĩ. Theo Công ước Basel sửa đổi được 187 chính phủ thông qua, những loại nhựa thải không phù hợp để tái chế sẽ được bổ sung vào danh sách rác thải cần quản lý và cần phải có sự đồng ý của các nước nhập khẩu trước khi xuất sang các nước này. Chương trình Môi trường LHQ đánh giá, thỏa thuận vừa được các quốc gia ký kết là mang tính lịch sử bởi những quốc gia này sẽ phải theo dõi xem phế thải nhựa đi đâu sau khi rời biên giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!