Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các đối tác, cùng Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra theo hình thức trực tuyến, từ ngày 26 đến 28/10 tuần vừa qua. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa nước lớn gia tăng, thách thức với ASEAN trong việc thể hiện và khẳng định vị trí trung tâm trong cấu trúc khu vực, cũng như vai trò trung lập và năng lực điều hòa vốn là thế mạnh của Hiệp hội. Cùng với đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn nhiều diễn biến khó lường.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng đã đề xuất 2 trọng tâm nhận được sự chia sẻ, hoan nghênh của các nhà lãnh đạo khu vực và đối tác: Trọng tâm thứ nhất là, phòng chống dịch, phục hồi kinh tế. Thứ hai là định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực.
Việt Nam tham gia kỳ họp cấp cao ASEAN lần này thể hiện chủ trương "đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm", cùng các nước thành viên vượt qua thử thách, giữ vững đoàn kết, tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực, ứng phó có hiệu quả thách thức đang nổi lên, củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói của ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 39. Ảnh: TTXVN
Các thành viên khu vực ASEAN một lần nữa nhấn mạnh, củng cố vai trò, vị thế và tiếng nói trung tâm của ASEAN. Khẳng định hòa bình, ổn định là mục tiêu chung; thượng tôn pháp luật, đối thoại thẳng thắn, hợp tác hiệu quả là những công cụ chủ yếu để đạt tới mục tiêu này. Các nước đồng thời đề cao tinh thần trách nhiệm, ứng xử minh bạch, quan hệ hài hòa, là cơ sở cho các mối quan hệ trong và ngoài khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: Tôi cho rằng giá trị cốt lõi và sức mạnh của ASEAN 54 năm qua chính là đoàn kết. Đoàn kết có được trên cơ sở nhân lên các điểm tương đồng và hài hòa các đa dạng, khác biệt. Đoàn kết giúp ASEAN có tiếng nói thống nhất, uy tín vững chắc với các đối tác ở bên ngoài. Tuy nhiên, đoàn kết cũng phải gắn với trách nhiệm và tinh thần xây dựng của tất cả các thành viên. Đoàn kết tức là tăng cường chính trị giữa các nước chúng ta tìm ra được các biện pháp xử lý… Tuy nhiên đoàn kết cũng phải gắn trách nhiệm của các thành viên".
Vai trò của ASEAN còn thể hiện trong đối thoại về các thách thức mới, có khả năng ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực, như tình hình biển Đông, Myanmar, ASEAN khẳng định, kiên trì lập trường giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar, một thành viên trong gia đình ASEAN.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu: "Tôi muốn nói rằng đó là điều cần thiết đối với cấu trúc khu vực của Ấn Độ - Thái Bình Dương và Mỹ cam kết giữ vai trò trung tâm của ASEAN, đó là nền tảng để duy trì khả năng phục hồi, sự thịnh vượng và an ninh của khu vực chung của chúng ta".
Hội nghị cấp cao ASEAN 38, 39 diễn ra, trong bối cảnh khu vực vừa có gần nửa năm ứng phó kiên cường trước những biến đổi khôn lường của tình hình dịch COVID-19. Quá trình nối lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ, từng bước phục hồi kinh tế đang được triển khai đồng thời tại nhiều quốc gia.
Các nhà lãnh đạo ASEAN chia sẻ với quan điểm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị, cho rằng, đã đến lúc ASEAN cần chuyển hướng sang chiến lược mới, với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Đây là cách tiếp cận thực chất, thực tế và là lựa chọn của hầu hết các quốc gia trên thế giới khi dịch COVID-19 biến đổi nhanh, khó lường và đã kéo dài được 2 năm.
Hợp tác ứng phó, phục hồi sau dịch bệnh
Ứng phó và phục hồi sau dịch bệnh không chỉ là trọng tâm trong chính sách của các nước thành viên, tiêu điểm trong các cuộc thảo luận tại kỳ hội nghị lần này mà đồng thời cũng là một trong các thách thức lớn nhất, đòi hỏi ASEAN phải tăng cường hợp tác, đoàn kết, thống nhất.
Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah - Chủ tịch ASEAN 2021 nói: "Đại dịch vẫn tiếp diễn, kinh tế toàn cầu hồi phục còn mong manh. Điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN và các đối tác là tăng cường đoàn kết và hợp tác, đồng thời tiếp tục khuyến khích khu vực tư nhân và nhà nước".
Để ứng phó linh hoạt dịch bệnh song song với phục hồi, ngoài các cơ chế đã có như Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19, kho dự phòng vật tư y tế ASEAN, khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước cũng đã thông qua khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, khung thúc đẩy đầu tư ASEAN, nghiên cứu xây dựng khung kinh tế tuần hoàn ASEAN; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác từ các đối tác đối thoại, các cơ chế kinh tế đa phương như Hiệp định RCEP; chú trọng đẩy mạnh hợp tác chuyển đổi kinh tế số.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định: "Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN nên được triển khai ngay. Khi các nước ASEAN thiết lập các điều kiện di chuyển thuận lợi và an toàn cho người dân, bánh xe nền kinh tế sẽ hoạt động trở lại".
Với những nỗ lực hợp tác, ASEAN đã có những phản ứng tốt với làn sóng dịch vừa qua, bước đầu triển khai mở cửa trở lại, cho thấy tiềm năng phục hồi và tầm quan trọng tương đối trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các mục tiêu được ASEAN đặt ra giúp tiến tới xây dựng 1 khu vực thống nhất, năng động, thịnh vượng.
Mặc dù vậy, thời gian tới, các thách thức với ASEAN còn rất lớn, nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn, nguy cơ suy giảm vẫn hiện hữu; trong khi tốc độ phục hồi khác nhau dễ dẫn tới một ASEAN hai tốc độ. Chính vì thế, đoàn kết, tăng cường hợp tác ứng phó thách thức là đòi hỏi thiết yếu với ASEAN và sẽ tiếp tục là trọng tâm, chủ đề chính trong ASEAN 2022.
Quốc tế đánh giá cao hội nghị cấp cao ASEAN
Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Ảnh: VOV
Các nước tham dự đánh giá, Hội nghị cấp cao ASEAN 38 và 39 đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nổi bật ở ba khía cạnh: Thứ nhất, cần đổi mới tư duy trong ứng phó với đại dịch COVID-19, đưa ra nhiều biện pháp phục hồi kinh tế. Thứ hai, nỗ lực tập trung xây dựng cộng đồng ASEAN, hoàn thiện thể chế, định hướng các hợp tác. Thứ ba, ASEAN khẳng định được vị thế, vai trò trong giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế, thể hiện bản lĩnh trước cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn, giữ vững lập trường về biển Đông trong giải quyết vấn đề Myanmar.
Ông Thongphane Savanhphet - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào nhấn mạnh: "ASEAN đang hợp tác với nhau để làm thế nào có được vaccine phân phối cho các nước thành viên. Việc thành lập Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN đối phó với dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai, là một trong những sáng kiến của Việt Nam, nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2020".
Dư luận quốc tế đánh giá cao tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao ASEAN và các Hội nghị liên quan lần này, hình thành một diễn đàn với sự tham dự của ASEAN và những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản.
Các tờ báo quốc tế lớn đặc biệt quan tâm tới phục hồi kinh tế của ASEAN, khi khẳng định Đông Nam Á là công xưởng quan trọng của thế giới. Như tờ Nikkei review, Reuters… chỉ ra cơ hội trị giá hàng tỷ USD từ ngành logistics với ASEAN, đánh giá cao các thỏa thuận thương mại tự do mới của ASEAN với các đối tác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!