Gấu kaola bị ảnh hưởng bởi cháy rừng ở Greater Blue Mountains gần Jenolan, Australia, ngày 14/9/2020. (Ảnh: Reuters)
Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo môi trường 5 năm do Chính phủ Australia công bố hôm 19/7.
Các loài động vật như kỳ đà đuôi xanh hiện chỉ còn tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt, trong khi chuột đá và cáo bay ở Đảo Giáng sinh nằm trong số những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong 20 năm tới, phần lớn là do các loài săn mồi du nhập.
Báo cáo được đưa ra sau khi thực trạng hạn hán, cháy rừng và lũ lụt tàn phá Australia trong 5 năm qua. Theo báo cáo, việc tăng nhiệt độ trên đất liền và trên biển, thay đổi mô hình cháy rừng và mưa, mực nước biển dâng cao và axit hóa đại dương đều có những tác động đáng kể và kéo dài.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Australia Tanya Plibersek cho biết trong một tuyên bố: "Báo cáo môi trường đã đưa ra những thông tin gây sốc về tình trạng khủng hoảng và suy thoái trong môi trường của Australia".
Số lượng các loài được thêm vào danh sách đang bị đe dọa hoặc bị đe dọa cao hơn đã tăng 8% so với báo cáo trước đó vào năm 2016 và sẽ tăng mạnh do hậu quả của các vụ cháy rừng xảy ra vào các năm 2019 và 2020.
Trận cháy rừng "Black Summer" đã khiến khoảng 1 tỷ đến 3 tỷ động vật chết hoặc phải di dời và phá hủy 9% môi trường sống của gấu kaola.
Báo cáo cho biết, Australia đã phải chi khoảng 1,7 tỷ AUD (1,2 tỷ USD) mỗi năm để phục hồi các loài bị đe dọa. Báo cáo cho biết thêm rằng chi tiêu có mục tiêu của Chính phủ nước này cho các loài bị đe dọa trước đó là 49,6 triệu AUD.
Rạn san hô Great Barrier Reef bị tẩy trắng. (Ảnh: CNN)
Nhiệt độ trung bình trên đất liền của Australia đã tăng 1,4°C kể từ đầu thế kỷ 20.
Báo cáo thông tin: "Mực nước biển tiếp tục tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và đe dọa các cộng đồng ven biển".
Bên cạnh đó, nhiều hệ sinh thái có giá trị cao nhất của Australia, chẳng hạn như rạn san hô Great Barrier Reef, nơi bị ảnh hưởng bởi sự tẩy trắng hàng loạt của san hô, đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và môi trường khắc nghiệt.
Trong khi "sức khỏe" của rạn san hô đang suy giảm do sóng nhiệt trên biển, báo cáo cũng nhấn mạnh mối đe dọa của tình trạng axit hóa đại dương, gây ra bởi sự hấp thụ carbon dioxide từ không khí tiệm cận thời điểm sẽ gây ra sự suy giảm của các cá thể san hô.
Các đô thị ở Australia đang phát triển với tốc độ chóng mặt, dẫn đến việc tăng nhiệt, ô nhiễm và chất thải, gia tăng tác động lên các nguồn nước và nguồn cung năng lượng.
"Sydney đã mất hơn 70% lớp phủ thực vật bản địa trong quá trình phát triển", theo báo cáo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!