Thông tin về dịch Ebola phủ kín trang nhất các báo. (Ảnh: AP)
Theo Sở Y tế bang Queensland, các xét nghiệm máu của nữ y tá Sue-Ellen Kovack không có dấu hiệu nhiễm loại virus chết người Ebola cũng như bất kỳ dịch bệnh nào khác. Tuy nhiên, nữ bệnh nhân này sẽ vẫn được giữ lại bệnh viện thêm 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 21 ngày, thời gian virus Ebola ủ bệnh.
Y tá Sue-Ellen Kovack, 57 tuổi, vừa trở về Australia hồi cuối tuần trước sau hơn 1 tháng tới Sierra Leone tham gia chương trình cứu chữa cho các bệnh nhân Ebola tại quốc gia Tây Phi này. Hôm 9/10, bà Kovack nhập viện với tình trạng sốt nhẹ, khiến giới chức Australia quan ngại xuất hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên ở nước này. Ngoài nữ y tá nói trên, các cơ quan y tế Australia cũng đã loại trừ 11 trường hợp khác bị nghi nhiễm Ebola.
Kể từ khi bùng phát hồi tháng 3 tại khu vực Tây Phi, trong đó nghiêm trọng nhất tại các nước Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria, virus Ebola đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.500 người với hơn 8.000 ca nhiễm. Đến nay, Australia vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào, song đã có 2 ca nhiễm Ebola ngoài khu vực Tây Phi tại Tây Ban Nha và Mỹ, trong đó bệnh nhân người Mỹ đã tử vong ngày 9/10.
Trong khi đó, Chính phủ Zimbabwe ngày 9/10 đã quyết định tạm đóng cửa một bệnh viện tại Thủ đô Harare để cách ly một nữ bệnh nhân bị nghi nhiễm Ebola.
Theo cơ quan y tế thành phố Harare, toàn bộ bệnh nhân tại bệnh viện Wilkins đã được chuyển tới các cơ sở y tế khác trong thành phố để đề phòng mọi khả năng lây nhiễm. Các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, hiện chưa rõ quốc tịch và danh tính, đã được gửi tới phòng thí nghiệm tại Nam Phi để xác nhận. Trong khi đó, bệnh viện Wilkins đã thiết lập một đội chuyên viên y tế để giám sát tình hình của bệnh nhân này.