Trong tuần qua, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo, tập trận tấn công hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả hành động Mỹ và Hàn Quốc tổ chức tập trận quân sự chung. Liên tục các động thái "ăn miếng trả miếng" giữa các bên đang đẩy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên lên cao nhất trong nhiều năm.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, cuộc tập trận mô phỏng tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được quân đội nước này tiến hành vào rạng sáng 2/9 (giờ địa phương) nhằm cảnh báo về mối nguy hiểm thực sự của chiến tranh hạt nhân. Hai tên lửa hành trình chiến lược tầm xa có gắn đầu đạn "hạt nhân giả" đã được phóng ra trong môi trường chiến tranh thực tế theo các thủ tục phê duyệt phóng nhanh.
Phát thanh viên Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cho biết: "Các tên lửa hành trình chiến lược tầm xa đã được bắn về vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên, nó đã thực hiện thành công nhiệm vụ tấn công hạt nhân bằng cách đảm bảo rằng các tên lửa bay theo quỹ đạo hình số 8, mô phỏng quãng đường 1.500 km trong lần lượt 7.672 và 7.681 giây. Và đầu đạn hạt nhân của những tên lửa này phát nổ ở độ cao 150 mét trên bầu trời hòn đảo mục tiêu".
Vụ tập trận mới nhất của Triều Tiên diễn ra sau khi Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía biển Nhật Bản hôm 30/8, nhằm phát đi thông điệp rõ ràng tới Mỹ và Hàn Quốc liên quan tới cuộc tập trận "Lá chắn tự do Ulchi", thể hiện năng lực và ý chí đáp trả kiên quyết của Bình Nhưỡng.
Ngay sau đó, từ ngày 1/9, Hàn Quốc đưa thêm Công ty Phát triển chương trình Ryukyong có liên quan đến hoạt động phát triển vũ khí tự hành của Triều Tiên cùng với 5 quan chức của công ty này vào danh sách cấm vận đơn phương của Seoul.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố, qua lần trừng phạt này, Seoul đã thể hiện quyết tâm ngăn chặn hoạt động phát triển vệ tinh, máy bay không người lái, hạt nhân, tên lửa, né tránh các quy định cấm vận và huy động vốn của Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc còn nhấn mạnh, sẽ duy trì hợp tác mật thiết với Mỹ, Nhật Bản và cộng đồng quốc tế để hối thúc Triều Tiên ngừng các hoạt động gây căng thẳng này và trở lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa.
Những dấu hiệu trên cho thấy, xu hướng đối đầu trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu leo thang trở lại. Cứ sau mỗi lần Hàn Quốc và Mỹ tiến hành tập trận, Triều Tiên lại gia tăng các vụ thử tên lửa và các hành động quân sự khác nhằm "răn đe" các động thái của Mỹ - Hàn Quốc ở khu vực.
Phản ứng về cuộc tập trận hạt nhân của Triều Tiên
Trong cuộc gặp với Tư lệnh Chiến lược Mỹ Anthony Collin ngày 4/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada khẳng định, trong bối cảnh môi trường an ninh căng thẳng, việc tăng cường khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bao gồm cả răn đe bằng hạt nhân, đây là một phát biểu tương đối cứng rắn của Nhật Bản sau khi Triều Tiên tập trận mô phỏng tấn công hạt nhân chiến thuật.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, ông sẽ nêu vấn đề tập trận hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên tại Hội nghị Cấp cao ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh G20 sắp tới, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận định, tình hình bán đảo Triều Tiên đang trong thời kỳ căng thẳng tột độ, khi các bên liên tiếp có các hành động răn đe đáp trả lẫn nhau. Ngay sau cuộc tập trận chung mùa hè hàng năm giữa Mỹ - Hàn kết thúc 31/8, thì ngay sau đó, Triều Tiên đã tập trận mô phỏng tấn công hạt nhân chiến thuật để đáp trả.
Trước đó, Triều Tiên cũng đã có những động thái để đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ với hai đồng minh thân cận trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc. Triều Tiên cáo buộc Mỹ là nguyên nhân gây bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, cho rằng nước này cần phải tăng cường lực lượng trước các hành động gây hấn.
Với các tuyên bố của các bên sau cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Triều Tiên, các nhà quan sát cho rằng các bên có thể sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe, bao gồm cả chạy đua hạt nhân. Với các cuộc chạy đua vũ trang và chạy đua hạt nhân, anh ninh khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á nói chung sẽ đặt dưới báo động đỏ, song các nhà phân tích cũng đánh giá khó có khả năng xảy ra chiến tranh quân sự trực diện.
Giữa lúc các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đã rơi vào bế tắc mấy năm qua, tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên liên tục rơi vào vòng luẩn quẩn của căng thẳng và đối đầu. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị thảo luận với nhà lãnh đạo Kim Jong-un bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu trong khi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, Seoul sẽ cung cấp viện trợ kinh tế lớn nếu Bình Nhưỡng bắt đầu từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Tuy nhiên, niềm tin về cam kết của các bên còn quá yếu đã cản trở đàm phán hòa bình.
Cộng đồng thế giới đang kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh Đông Bắc Á và Triều Tiên sớm trở lại bàn đàm phán trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm tìm cách vượt qua rào cản của sự thiếu lòng tin.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!