Báo chí quốc tế quan tâm đặc biệt việc Trung Quốc mở rộng cây trồng biến đổi gen

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 18/04/2016 11:08 GMT+7

VTV.vn - Báo chí QT đang rất quan tâm đến việc Trung Quốc công bố kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch sang sản xuất cây trồng nông nghiệp sử dụng công nghệ biến đổi gen.

Ngày 13/4, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tổ chức họp báo công bố kế hoạch thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch sang sản xuất cây trồng nông nghiệp sử dụng công nghệ biến đổi gen trong vài năm tới. Theo nhận định của hãng tin Deutsche Welle của Đức, động thái này là một bước chuyển ngoặt rất lớn về mặt chính sách của Trung Quốc đối với lĩnh vực cây trồng biến đổi gen.

Trang mạng này còn trích lời ông Liao Xiyuan - một quan chức cấp cao của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc - trong buổi họp báo hôm đó: "Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 tới đây, Trung Quốc sẽ đưa vào sản xuất đại trà giống ngô biến đổi gen, đồng thời tiếp tục phát triển cây bông biến đổi gen trước đó".

Ngô là loại mặt hàng có sản lượng lớn nhất trong các giống cây lương thực ở Trung Quốc, lúa mạch và lúa gạo vẫn xếp sau ngô. Tuy nhiên, đại bộ phận ngô sản xuất ra được dùng làm thức ăn chăn nuôi.

* Theo Tân Hoa Xã, trước kia, Trung Quốc chỉ có 2 loại cây trồng biến đổi gen được chính phủ nước này công nhận chính thức. Đó là cây bông biến đổi gen kháng sâu bệnh và cây đu đủ biến đổi gen kháng nấm. Trung Quốc cũng đã nhập khẩu rất nhiều sản phẩm nông nghiệp biến đổi gen như đỗ tương, ngô, bông, hạt cải dầu, củ cải đường… để làm nguyên liệu gia cộng thực phẩm.

* Tờ The Wall Street Journal chỉ ra dẫn chứng cho thấy, Trung Quốc đã hạ quyết tâm trở thành siêu cường trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gen. 2 tháng trước, Tập đoàn hoá chất Trung Quốc ChemChina tuyên bố sẽ mua lại tập đoàn sản xuất hoá chất nông nghiệp và hạt giống Syngenta của Thuỵ Điển, với giá 43 tỷ USD. Dự kiến, thương vụ đình đám này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016.

Syngenta là một trong số ít các công ty lớn trên thế giới đang chi phối việc sản xuất các loại cây trồng biến đổi gen. Ước tính, công ty này cung cấp độc quyền khoảng 6.800 loại hạt giống các loại cây trồng biến đổi gen.

* Theo phân tích của hãng tin Bloomberg, logic đằng sau thương vụ thâu tóm tham vọng của Trung Quốc là khoảng cách ngày càng lớn giữa hai con số: số dân ngày một phình ra và số diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Trung Quốc chiếm 21% dân số thế giới nhưng chỉ sở hữu 9% diện tích đất trồng trọt toàn cầu. Đó chính là điểm mấu chốt để Kem China quyết định thâu tóm Syngenta. Với vị thế là nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất thế giới và nắm trong tay nhiều loại hạt giống biến đổi gen giúp tăng sản lượng, Syngenta sẽ giúp tăng sản lượng lương thực mà Trung Quốc sản xuất trên mỗi hecta và tăng cường sức mạnh cho Kem China để cạnh tranh với các đối thủ khác, bao gồm tập đoàn hóa chất nông nghiệp và hạt giống Monsanto của Mỹ.

Không những vậy, với dân số gần 1,4 tỷ người, Trung Quốc cần phải tăng nhanh chóng năng suất nông nghiệp, vốn dễ bị tổn thương bởi tình trạng đất đai bạc màu, nguồn nước ô nhiễm và việc sử dụng quá nhiều phân bón và thuốc trừ sâu.

Khi nhu cầu lương thực tăng cao, an ninh lương thực trở thành một chính sách quan trọng đối với chính phủTrung Quốc.

* Cùng chung nhận định, hãng tin Reuters còn trích một nguồn tin nắm rõ thương vụ này cho biết: Chỉ khoảng 10% đất nông nghiệp ở Trung Quốc có hiệu quả. Do vậy, thương vụ này không chỉ đơn giản là công ty này mua lại công ty khác. Đây là một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để giải quyết một vấn đề thực sự. Vụ thâu tóm sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận được công nghệ sinh học tân tiến để phát triển hạt giống, giảm sự thuộc vào lương thực nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc phát triển cây trồng biến gen vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi trên toàn cầu do có những lo ngại đến sự an toàn của các loại thực phẩm có nguồn gốc biến đổi gen, cũng như nguy cơ đe dọa tính đa dạng sinh học. Cuối năm 2015, 2/3 các nước thành viên Liên minh châu Âu đã cấm việc trồng các loại cây trồng biến đổi gen trên lãnh thổ của họ.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước