Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát bệnh không lây nhiễm thuộc Bộ Y tế Indonesia nhận định, tình trạng hút thuốc lá ở Indonesia phổ biến một phần là do giá mặt hàng này phải chăng và các công ty sản xuất, phân phối thuốc lá được tự do tiếp thị rộng rãi.
Theo cơ quan trên, giải pháp hiện nay là Chính phủ Indonesia cần đánh thuế cao hơn đối với cả sản phẩm thuốc lá và sản phẩm thuốc lá điện tử, cũng như cấm quảng cáo, tài trợ và quảng bá các sản phẩm thuốc lá.
Indonesia hiện là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á vẫn cho phép quảng cáo thuốc lá trên truyền hình và báo in.
Trước đó, vào ngày 16/10, Bộ Y tế Indonesia đã kêu gọi người dân nước này, đặc biệt là giới trẻ, không hút thuốc lá vì đây là "gốc rễ" ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và gây lãng phí về kinh tế.
Bộ Y tế Indonesia nhấn mạnh, thuốc lá là nguyên nhân gây ra các vấn đề đa chiều ở cấp độ toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn tác động đến kinh tế xã hội và văn hóa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác động tiêu cực của thuốc lá đối với sức khỏe. Theo đó, thuốc lá là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản ở phụ nữ và trẻ em sơ sinh.
Học sinh trung học hút thuốc sau giờ học ở Bogor, Indonesia. (Ảnh: EPA)
Bên cạnh đó, hút thuốc lá cũng ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, thuốc lá là mặt hàng thứ hai sau lương thực mà những gia đình nghèo ở Indonesia thường xuyên sử dụng. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nếu giảm 1% chi tiêu cho thuốc lá, tỷ lệ nghèo cũng sẽ giảm 6%.
Bộ Y tế Indonesia khuyến nghị, chính phủ nước này đưa những biện pháp giảm thiểu hút thuốc lá như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồng thời và hạn chế quảng cáo mặt hàng này trên các phương tiện truyền thông.
Năm 2022, Indonesia đứng đầu thế giới về tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá, ở mức 71,3% trong khi tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá ở nước này là 37,6%, cao thứ 5 trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!