Thống kê sơ bộ cho thấy, ít nhất 38 người dân tại các nước bão quét qua đã thiệt mạng. Trong lúc này các nhân viên cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân mất tích hoặc bị chôn vùi dưới các lớp đất đá.
Tối 16/11, bão Iota đã đổ bộ với sức gió 250km/h vào cùng khu vực bão Eta càn quét 2 tuần trước đó. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ bão Iota là Nicaragua. Số nạn nhân thiệt mạng do bị lũ cuốn trôi hay lở đất tại quốc gia này đã tăng lên 16 người.
Trong khi đó, tại Guatemala, 4 người cũng đã thiệt mạng và mất tích sau một trận lở đất gần miền Trung nước này.
Tại Colombia, tổng thống nước này cũng ký sắc lệnh ban bố tình trạng thảm họa trong thời gian một năm đối với ba đảo du lịch lớn sau khi bão khiến nhiều người thiệt mạng và hàng nghìn người mất nhà ở.
Cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão Iota. Ảnh: AP
Ở Honduras, khoảng 40.000 người dọc theo bờ biển phía Đông của nước này đã được chuyển đến các trại sơ tán. Tình trạng chật chội tại đây làm dấy lên lo ngại rằng, sẽ bùng phát một đợt lây nhiễm COVID-19 mới.
Bà Irma Sarmiento - Người dân Honduras nói: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ mắc COVID-19, không sớm thì muộn".
Còn đối với nhiều người khác, mối quan tâm chính của họ không phải là dịch bệnh, mà liệu họ có phải nhịn đói bữa tiếp theo hay không.
Theo thống kê sơ bộ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, số người bị ảnh hưởng tại khu vực bão Iota tàn phá lên tới 4,6 triệu người, trong đó có khoảng 1,8 triệu trẻ em.
Mặc dù bão Iota đã tan nhưng Trung tâm dự báo bão quốc gia Mỹ vẫn cảnh báo nguy cơ mưa lớn gây lũ lụt và lở đất ở khu vực Trung Mỹ và miền Nam Mexico.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!