Boeing chìm sâu trong khủng hoảng và hàng loạt hệ lụy

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 26/10/2024 09:00 GMT+7

VTV.vn - Boeing - tập đoàn hàng không số một thế giới, biểu tượng công nghiệp của nước Mỹ - vẫn đang tiếp tục chuỗi ngày chìm trong khủng hoảng.

Hôm 23/10 (theo giờ địa phương), các công nhân Boeing đã từ chối thỏa thuận tăng lương do hãng đề xuất và tiếp tục đình công, khiến cuộc khủng hoảng của Boeing kéo dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, những khó khăn tài chính đã khiến "gã khổng lồ" của ngành hàng không vũ trụ Mỹ phải cân nhắc bán một số chi nhánh hoặc công ty con để có thêm nguồn thu.

Boeing trong chuỗi khủng hoảng

Cuộc đình công tại nhà máy Boeing đã bước sang tuần thứ 6 sau khi các công nhân một lần nữa bác bỏ lời đề nghị hợp đồng mới. Kết quả bỏ phiếu cho thấy 64% công nhân không chấp nhận đề xuất tăng lương 35% trong 4 năm, trong khi đề xuất ban đầu của công đoàn yêu cầu mức tăng lương 40%.

Quyết định bỏ phiếu của công đoàn nhằm thúc đẩy Boeing đưa ra các điều khoản tốt hơn. Người lao động cảm thấy bị công ty đối xử bất công trong các cuộc đàm phán trước đó, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.

Các nhà lãnh đạo công đoàn cho biết họ đã sẵn sàng đàm phán với Boeing.

Ông John Holden - Chủ tịch Hiệp hội Thợ máy quốc tế phân khu 751 - nói: "Các thành viên đã bỏ phiếu bác bỏ đề nghị mới nhất của công ty với tỷ lệ 64%. Một lần nữa, các thành viên của chúng tôi đã đoàn kết lại với nhau".

Việc từ chối thỏa thuận này là lần từ chối thứ 2 trong cuộc bỏ phiếu chính thức, sau khi 95% công nhân đã bác bỏ đề xuất trước đó vào tháng 9, dẫn đến cuộc đình công tại Boeing.

Bà Melissa S. - nhân viên cơ sở sản xuất Boeing - cho biết: "Tôi đã bỏ phiếu không. Họ chỉ cung cấp cho chúng tôi những thứ tối thiểu trong khi chúng tôi còn phải nuôi gia đình".

Hơn 30.000 thợ máy đã ngừng làm việc tại các nhà máy Boeing ở Bờ Tây nước Mỹ từ ngày 13/9, dẫn đến việc dừng sản xuất các chương trình máy bay thân rộng - bao gồm những mẫu bán chạy nhất 737 MAX, 767 và 777.

Boeing chìm sâu trong khủng hoảng và hàng loạt hệ lụy - Ảnh 1.

(Ảnh: AP)

Trước đó, chuỗi tin xấu bắt đầu diễn ra ngay đầu năm khi cửa của chiếc Boeing 737 MAX thuộc hãng hàng không Alaska Airlines bị bung ngay sau khi cất cánh vào ngày 5/1.

Lịch trình giao hàng máy bay vốn đã chậm chạp của Boeing giờ đây gần như dừng hẳn. Ước tính, sự đình trệ hoạt động sản xuất tại các nhà máy khu vực Bờ Tây nước Mỹ đã khiến Boeing bị thiệt hại gần 5 tỷ USD. Phần lớn tác động do công nhân và cổ đông Boeing gánh chịu, lên đến 3,7 tỷ USD.

Trong báo cáo hàng quý vừa công bố, tập đoàn sản xuất máy bay cũng đã báo cáo khoản lỗ khổng lồ 6,2 tỷ USD. Cổ phiếu của Boeing đã mất hơn 60% giá trị trong 5 năm qua. Công ty cũng đang đối mặt với sự giám sát từ các cơ quan quản lý và khách hàng sau các sự cố về an toàn gần đây.

Trước các diễn biến tiêu cực này, Boeing mới đây thông báo sẽ cắt giảm 10% nhân lực toàn cầu - tương đương khoảng 17.000 người - trong vài tháng tới do việc kinh doanh của công ty đang gặp khó khăn.

Hệ lụy từ khủng hoảng của Boeing

Cuộc khủng hoảng của Boeing không chỉ là tin xấu riêng cho công ty mà còn là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ. Là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất đất nước, Boeing đóng góp tới 79 tỷ USD mỗi năm và tạo ra 1,6 triệu việc làm tại Mỹ. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, chỉ riêng cuộc đình công cũng như việc sa thải tạm thời hoặc nghỉ việc theo tuần từ các nhà cung cấp của Boeing đã làm giảm khoảng 50.000 việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp tháng 10 của Mỹ.

Thậm chí, cuộc khủng hoảng của Boeing có thể dẫn đến giá vé máy bay đắt hơn và tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở Mỹ. Boeing là một công ty lớn với lực lượng lao động hơn 140.000 nhân viên trên toàn thế giới, tạo ra hàng chục tỷ USD doanh thu mỗi quý. Do đó, với nền kinh tế Mỹ, việc cắt giảm chi tiêu của công ty và các nhân viên bị sa thải sẽ gây ra hiệu ứng domino, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là ở Washington.

Hơn 10.000 nhà cung cấp trên toàn quốc cũng sẽ chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cảnh báo việc đình trệ dây chuyền sản xuất của Boeing có thể "có tác động đáng kể đến nền kinh tế vĩ mô". Trong khi đó, nhu cầu yếu hơn đối với máy bay của hãng có nghĩa là xuất khẩu ít hơn, đóng góp vào tăng trưởng GDP sẽ giảm.

Ở quy mô lớn hơn, các chuyên gia lo ngại cuộc khủng hoảng của Boeing có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt máy bay phản lực thương mại tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

Boeing chìm sâu trong khủng hoảng và hàng loạt hệ lụy - Ảnh 2.

(Ảnh: Getty)

Tại Mỹ, hãng hàng không Southwest Airlines - với toàn bộ đội bay là Boeing - cho biết đã phải giảm số chuyến trong nửa cuối năm. United Airlines đang phải mua thêm máy bay Airbus.

Ở khu vực Trung Đông, Emirates Airlines - hãng hàng không hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất - là một trong những khách hàng về tàu bay thân rộng lớn nhất của Boeing, với đơn đặt hàng chưa thanh toán là 150 máy bay. Emirates đã bày tỏ sự thất vọng về việc giao hàng chậm trễ của hãng sản xuất máy bay Mỹ. Emirates đã phải triển khai chương trình tân trang trị giá 3 tỷ USD cho 191 máy bay để ứng phó với việc hoãn chuyến. Do sự chậm trễ kéo dài, hãng hàng không này đã phải kéo dài tuổi thọ của các máy bay phản lực hiện có, làm tăng chi phí bảo dưỡng.

Các hãng hàng không châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ của Boeing. Ryanair - một trong những hãng hàng không hàng đầu châu Âu - đã hạ dự báo lưu lượng hành khách trong năm tới do tốc độ giao máy bay chậm, thậm chí yêu cầu nhà sản xuất Mỹ bồi thường.

Việc các hãng hàng không thiếu máy bay để vận hành kéo theo giá vé bay tăng cao trong thời gian qua, đồng thời buộc các hãng bay tăng thời gian sử dụng những chiếc máy bay cũ. Giới chuyên gia cảnh báo giá vé tăng sẽ chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các hãng hàng không. Nguyên nhân là bởi khi giá vé tăng, lượng khách hàng sẽ giảm dần. Theo dự báo, giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng từ 3% - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.

Cuộc khủng hoảng của Boeing đã bắt đầu từ những ngày đầu năm, dẫn đến một loạt hệ lụy có thể báo trước đối với hàng không toàn cầu. Và dù vì bất kỳ nguyên nhân gì, việc thiếu hụt máy bay đang thực sự gây nên cuộc khủng hoảng của ngành hàng không toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Không chỉ các hãng bay bị ảnh hưởng tăng trưởng, hành khách sẽ là người bị ảnh hưởng trực tiếp với giá vé máy bay ngày càng tăng bởi thiếu tàu bay xuất phát từ thiếu nguồn cung, trong khi lịch trình bảo dưỡng máy bay dày đặc.

Boeing lên kế hoạch huy động 35 tỷ USD giữa khủng hoảng chưa từng có Boeing lên kế hoạch huy động 35 tỷ USD giữa khủng hoảng chưa từng có Boeing chìm sâu vào khủng hoảng lao động Boeing chìm sâu vào khủng hoảng lao động Boeing đề xuất phương án tăng lương để chấm dứt đình công Boeing đề xuất phương án tăng lương để chấm dứt đình công

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước