Đây là kết luận được rút ra từ các nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản và Israel.
Nhóm nghiên cứu thuộc Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã tiến hành phân tích mật độ kháng thể ở 440 nhân viên y tế trong thời gian 1 và 3 tháng sau khi được tiêm mũi vaccine COVID-19 tăng cường. Đây là những người có kháng thể nhờ vào việc tiêm chủng chứ không phải từ việc nhiễm virus SARS-CoV-2. Trong 2 mũi đầu tiên, họ đều được tiêm vaccine của hãng Pfizer.
Kết quả phân tích cho thấy, một tháng sau khi tiêm mũi thứ 3, mật độ kháng thể bình quân của người được tiêm bằng vaccine của hãng Pfizer cao gấp 52,1 lần so với thời điểm trước khi tiêm. Ba tháng sau khi tiêm, mật độ kháng thể bình quân chỉ còn cao gấp 27,5 lần. Đối với những người được tiêm bằng vaccine của Moderna, mật độ kháng thể vào thời điểm 1 tháng và 3 tháng sau khi tiêm lần lượt cao gấp 70,3 lần và 36 lần so với thời điểm trước khi tiêm.
Mũi tăng cường đặc biệt hiệu quả đối với người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém. (Ảnh: AP)
Giáo sư Suminobu Ito của Đại học Juntendo, Trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng, mặc dù mật độ kháng thể giảm xuống còn gần một nửa trong thời gian 3 tháng kể từ khi tiêm mũi thứ 3 nhưng vẫn ở mức khá cao và do đó, vaccine vẫn còn hiệu quả bảo vệ nhất định trước virus SARS-CoV-2. Giáo sư Ito nhấn mạnh, hiện nhóm mới tập trung vào phân tích hiệu quả của mũi tiêm tăng cường đối với virus SARS-CoV-2 gốc, trong khi việc đo lường một cách chính xác hiệu quả của mũi tiêm này đối với biến thể Omicron rất khó khăn. Mặc dù vậy, theo Giáo sư Ito, nhiều khả năng hiệu quả của mũi tiêm này trước biến thể Omicron cũng sẽ không giảm mạnh.
Trong khi đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Israel cho thấy, mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ 4 có thể giảm 75% nguy cơ tử vong ở người trên 60 tuổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!