Các nước châu Âu tìm cách giải bài toán khan hiếm nhân công

Thế giới hôm nay-Thứ tư, ngày 04/10/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Tỷ lệ thất nghiệp trong khối Eurozone đã xuống tới mức 6,4%, mức thấp nhất kể từ khi Cơ quan Thống kê châu Âu bắt đầu tổng hợp số liệu năm 1998.

Doanh nghiệp châu Âu đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân công đang buộc giới làm chính sách phải thúc đẩy người thất nghiệp chấp nhận công việc sẵn có, đồng thời nới lỏng điều kiện nhập cư để bổ sung nhân lực cho thị trường lao động.

Các nước châu Âu khan hiếm nhân công trầm trọng, sau đúng 10 năm kể từ khi khủng hoảng thất nghiệp lên tới đỉnh điểm. Năm 2013, tỷ lệ thất nghiệp trong khối Eurozone lên tới hơn 12%. Thất nghiệp giảm dần đều trong suốt 6 năm, chỉ tăng trở lại khi đại dịch COVID-19 bùng phát, rồi lại tiếp tục giảm, và hiện đang ở mức thấp lịch sử, 6,4%. Châu Âu đạt tới tình trạng "toàn dụng nhân công", chỉ có những người không chấp nhận mức lương chung của thị trường mới không có việc làm.

Giáo sư Jean-marc Daniel - Chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng: "Cần phải so sánh, không chỉ với tháng 7 vừa rồi, mà với một năm trước thì chúng ta sẽ thấy mức giảm ngoạn mục hơn, từ 6,7 xuống 6,4% trong Eurozone, cả Liên minh châu Âu 6,1 xuống còn 5,9%. Thất nghiệp giảm nhiều, tuy nhiên vẫn cao hơn mức trung bình của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế là 4,8%.

Các nước châu Âu tìm cách giải bài toán khan hiếm nhân công - Ảnh 1.

Hầu như ngành nào cũng khó tuyển dụng

Những ngành thiếu nhân công nhất lại thường là những ngành không cần nhân lực tay nghề cao hay đào tạo lâu. Vẫn là nhà hàng khách sạn, thu ngân siêu thị, lái xe tải, bốc xếp hàng, xây dựng, điều dưỡng… Tình hình chung lúc này là việc chờ người, còn người chưa có việc thì lại không vội.

Ông François Gernigon - Nghị sĩ Pháp: "Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp ở mức thấp nhất trong hơn 40 năm trở lại đây, tỷ lệ việc làm ở mức cao nhất, với hơn 1,7 triệu việc làm được tạo ra kể từ năm 2017. Nhưng chúng ta vẫn cần phải cải thiện cơ chế để mỗi công dân tìm thấy vị trí mong muốn trong thị trường việc làm. Các doanh nghiệp đang khó tuyển người, trong khi vẫn có tới hơn 2 triệu người đang nhận trợ cấp, phần lớn trong số họ nhận trợ cấp từ nhiều năm nay".

Một số nước châu Âu đang tính giảm trợ cấp thất nghiệp và thời gian được hưởng trợ cấp, nhằm tạo sức ép buộc những người thất nghiệp phải tham gia thị trường lao động. Vương quốc Bỉ đang tính giới hạn trợ cấp thất nghiệp chỉ còn tối đa 2 năm, còn tại Pháp, Thượng viện đã quyết định trong phiên họp đầu tháng 11 này sẽ xem xét lại luật nhập cư, với ý định nới lỏng điều kiện định cư cho những người nước ngoài trong độ tuổi lao động và biết những nghề mà nước Pháp đang cần.

Các nước châu Âu tìm cách giải bài toán khan hiếm nhân công - Ảnh 2.

Câu chuyện thiếu hụt lao động tại châu Âu còn có thêm một vấn đề nữa, đó là khi tốc độ tăng của lạm phát nhanh hơn tốc độ tăng lương tối thiểu đã dẫn tới người lao động trình độ thấp không mặn mà với việc đi làm, cho rằng thà hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn hơn, từ đó tình trạng thiếu việc làm trở nên nghiêm trọng hơn.

Thống kê vừa công bố cho thấy, nơi có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu cũng có thể hiểu là doanh nghiệp tại các nước đó đang khó tuyển dụng nhân công là tại Cộng hòa Czech, Malta, Ba Lan, Đức và Slovenia. Từ hàng chục năm nay, lao động Đông Âu vẫn sang Tây Âu làm việc, do mức lương tại Tây Âu cao hơn. Vì thế các nước Đông Âu mất đi nhiều nhân lực, buộc phải trông chờ vào lực lượng lao động của các nước bên ngoài Liên minh châu Âu. Điểm đặc biệt là nước Đức, tỷ lệ thất nghiệp đang rất thấp, nhân lực đang rất khan hiếm, mặc dù kinh tế trì trệ. Đông Âu và Đức vẫn đang là những thị trường lao động hấp dẫn đối với người lao động bên ngoài Liên minh châu Âu.

Pháp xem xét sửa đổi Luật nhập cư


Các nước châu Âu tìm cách giải bài toán khan hiếm nhân công - Ảnh 3.

Thượng viện Pháp từ ngày 6/11 tới đây sẽ thảo luận khả năng cấp thẻ tạm cư nhanh chóng hơn cho người biết làm những nghề mà nước Pháp đang thiếu. Dự kiến, một người sống bất hợp pháp ở Pháp nhiều hơn ba năm và đã làm việc ít nhất 8 tháng trong một ngành nghề hay khu vực địa lý khan hiếm nhân lực, sẽ được nhận thẻ cư trú 1 năm, có thể gia hạn.

Trước nay, Pháp cũng như nhiều nước châu Âu đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho bác sĩ cũng như những người có chuyên môn cao trong một số lĩnh vực. Vấn đề lúc này là thiếu cả lao động giản đơn, vậy nên sửa đổi luật sẽ mở rộng ra, không chỉ với bác sĩ, kỹ sư, mà với cả các ngành nghề khác, mở ra cơ hội lớn hơn cho lao động nước ngoài.

Một trong các giải pháp giải bài toán lao động của châu Âu là nhập khẩu lao động nhằm lấp các chỗ trống việc làm, thúc đẩy quá trình kinh tế. Lãnh đạo EU đã đề nghị các nước tạo điều kiện dễ dàng cho công dân mang quốc tịch nước ngoài sinh sống tại đây tham gia thị trường lao động, đặc biệt là những người có tay nghề cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngay cả khi có thêm lao động nhập cư, thì tình trạng khan hiếm nhân lực được dự báo vẫn sẽ là một thách thức với châu Âu trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước