Hơn 172,8 triệu người mắc trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,1 triệu ca mắc và hơn 611.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 12.200 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 3/6, nước này ghi nhận hơn 131.300 ca mắc mới COVID-19 và trên 2.700 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 28,5 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 340.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ đang trải qua làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai nghiêm trọng. Các chuyên gia y tế cho rằng, Ấn Độ cần tiến hành tiêm chủng đại trà cho 1,3 tỷ người để giảm tác động của các đợt lây nhiễm sau.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận gần 83.400 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 469.300 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 16,8 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Từ ngày 7/6 tới, Đức sẽ dỡ bỏ cơ chế ưu tiên tiêm chủng nhằm đảm bảo tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho công dân nước này. Thông tin trên vừa được Bộ Trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn đưa ra. Theo đó, toàn bộ công dân từ 12 tuổi trở lên ở Đức đều sẽ được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh vào tuần trước, Liên minh châu Âu (EU) đã cấp phép sử dụng vaccine của hai công ty dược phẩm Pfizer-BioNTech cho thanh thiếu niên. Từ tuần tới, các bác sĩ của hai công ty dược phẩm này sẽ tham gia nhiều hơn vào chiến dịch tiêm chủng của Đức và hai công ty có nghĩa vụ cung cấp khoảng 700.000 liều vaccine trong tuần đầu tiên.
Tính đến ngày 1/6, hơn 15,6 triệu người dân ở Đức đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19, nâng tỷ lệ người hoàn thành tiêm chủng trong dân số lên 18,8%. Gần 36,5 triệu người Đức đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều. Bộ trưởng Bộ Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết, nước này đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ 4 nếu số ca mắc mới bất ngờ tăng giống như hồi mùa thu năm 2020.
50,2% số người trưởng thành tại Anh đã nhận đủ 2 liều vaccine. (Ảnh: AP)
Anh đang đàm phán để mua vaccine AstraZeneca phiên bản mới, được điều chỉnh để có hiệu quả hơn với các biến thể mới của Sars-CoV-2. Bộ Y tế Anh muốn mua vaccine có khả năng bảo vệ cao đối với biến thể được phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Đại học Oxford và AstraZeneca khẳng định, tới tháng 8 này, phiên bản mới sẽ sẵn sàng.
Số liệu của Bộ Y tế Anh cho biết, từ ngày 8/12/2020 - 2/6/2021, cơ quan y tế trên khắp Vương quốc Anh đã tiêm chủng được tổng cộng 66.180.731 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó 39.758.428 là mũi tiêm thứ nhất, tương đương 75,5% số người trưởng thành đã được tiêm một mũi, và 26.422.303 mũi tiêm thứ 2, tương đương 50,2% số người trưởng thành đã nhận đủ 2 liều vaccine.
Italy bắt đầu tiêm vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên từ ngày 4/6. Trao đổi với báo giới, Thị trưởng Naples, Luigi de Magistris, cho biết, việc tiêm chủng cho người trên 12 tuổi là "tín hiệu tuyệt vời" đối với cả việc kiểm soát dịch bệnh cũng như sớm khôi phục mọi hoạt động thường nhật. Hiện ở Italy thì đã có 12,4 triệu người được tiêm đủ 2 mũi vaccine, chiếm 23% dân số. Italy đến nay ghi nhận tổng cộng trên 4,2 triệu người mắc COVID-19 và hơn 126.300 trường hợp thiệt mạng.
Ngày 3/6, quốc gia láng giềng Pháp cũng đã thông báo kế hoạch tiêm chủng cho người từ 12 tuổi trở lên từ ngày 15/6. Mục tiêu là trong tháng 6 này sẽ tiêm được cho một nửa dân số Pháp, mỗi người ít nhất 1 mũi. Hiện Pháp là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ tư thế giới với trên 5,6 triệu ca mắc, bao gồm 109.800 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Ngày 3/6, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận thêm 8.209 ca mắc COVID-19, tăng so với con số 7.703 ca hôm 2/6. Tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này hiện lên tới 595.374 trường hợp, bao gồm 3.096 bệnh nhân tử vong. Bang Selangor tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất cả nước với 3.125 người, tiếp đến là thủ đô Kuala Lumpur với 801 trường hợp, bang Johor với 752 bệnh nhân.
Bộ Y tế Singapore thông báo có 45 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là mức cao nhất ghi nhận tại đảo quốc này kể từ ngày 16/5, trong đó có 35 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore hiện là 62.145 trường hợp. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Lawrence Wong, đồng Chủ tịch Lực lượng đặc trách liên bộ về COVID-19, việc chưa thể truy vết các ca mắc "ẩn" trong cộng đồng tại nước này hiện là một vấn đề rất đáng lo ngại.
Giới chức Singapore đang quan ngại về số ca nhiễm “ẩn” trong cộng đồng. (Ảnh: AP)
Bộ trưởng Wong đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh dịch COVID-19 mới bùng phát tại khu nhà ở của người khuyết tật MINDSville@Napiri. 27 cư dân và nhân viên tại đây đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi một người ở khu nhà này được phát hiện mắc COVID-19 hôm 31/5. Tình hình lây nhiễm tại khu nhà trên đáng lo ngại là bởi không có ai sinh sống tại đây rời khỏi khu nhà kể từ ngày 7/5, ngoại trừ đi khám bệnh theo lịch hẹn. Các nhân viên cũng chỉ được phép rời khu nhà khi thực sự cần thiết. Trong số 225 cư dân và nhân viên, đã có 91% số người được tiêm chủng đủ cả hai liều từ tháng 2 - 3/2021. Trong số 27 ca nhiễm được phát hiện, có 23 trường hợp không có triệu chứng.
Tại Indonesia, Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Yaqut Cholil Qoumas thông báo nước này đã hủy bỏ các chuyến hành hương của người dân tới thánh địa Mecca ở Saudi Arabia. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Indonesia hủy bỏ sự kiện do lo ngại diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Bộ trưởng Yaqut Cholil Qoumas cũng thông báo việc Saudi Arabia đã đóng cửa thánh địa linh thiêng nói trên của người Hồi giáo. Ông nói thêm rằng những người đã nộp phí sẽ có thể nối lại các chuyến hành hương vào năm sau.
Trước đó, Phó chủ tịch Hạ viện Indonesia, ông Sufmi Dasco Ahmad, cho biết đã nhận được thông tin chính thức liên quan đến việc Saudi Arabia cấm người dân Indonesia nhập cảnh tham dự lễ hành hương Haj 2021.
Ngày 3/6, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận thêm 729 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 700 trường hợp lây nhiễm cộng đồng và 29 người nhập cảnh. Bộ này cũng công bố 721 trường hợp khỏi bệnh và thêm 6 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 32.189 ca mắc COVID-19, trong đó 24.763 bệnh nhân đã bình phục và 236 trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh các ca nhiễm mới có xu hướng tăng trở lại tại Phnom Penh, chính quyền thủ đô Campuchia đã ra quyết định tạm dừng một số hoạt động và cấm tụ tập đông người trong thời gian 14 ngày, ban hành lệnh cấm tụ tập trên 15 người, đồng thời tạm ngừng các hoạt động kinh doanh và công việc có rủi ro cao lây nhiễm dịch COVID-19; chưa cho phép mở cửa các trường học và các trường dạy nghề. Lệnh đóng cửa 14 ngày từ ngày 3 - 16/6 cũng được áp dụng với tất cả các loại hình câu lạc bộ, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, khu vui chơi, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao.
Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Campuchia tăng cao trở lại. (Ảnh: AP)
Trong tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia đang tăng trở lại. Bình quân mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 650 ca nhiễm mới, đặc biệt là trong 2 ngày qua liên tục ghi nhận hơn 700 ca nhiễm. Ngoài thủ đô Phnom Penh, trong những ngày qua, một số địa phương ở Campuchia như các tỉnh Svay Rieng, Preah Sihanouk, Kampot, Kampong Cham, Battambang, Takeo, Prey Veng đã xuất hiện thêm nhiều điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là tại các nhà máy may mặc, trại giam và sòng bạc.
Bộ Y tế Lào ngày 3/6 cho biết, nước này chỉ ghi nhận 9 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 6 ca lây nhiễm cộng đồng tại thủ đô Vientiane và 3 ca nhập cảnh được cách ly ngay ở tỉnh khác. Số "vùng đỏ" hiện tại ở thủ đô Vientiane vẫn là 21 khu vực thuộc 7 quận. Những nơi này vẫn được chính quyền tăng cường kiểm soát nhằm không để dịch lây lan ra diện rộng. Cho đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 1.943 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.654 trường hợp và 3 người tử vong.
Thái Lan ngày 3/6 ghi nhận thêm 3.886 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 1.230 ca là các tù nhân, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 169.348. Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo có thêm 39 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh này lên 1.146 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà trên toàn quốc vào ngày 7/6. Chính phủ Thái Lan đảm bảo rằng, tất cả công dân nước ngoài sống ở quốc gia Đông Nam Á này đã đăng ký tiêm chủng sẽ bắt đầu được tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19 từ tuần tới.
Một nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã cảnh báo khả năng số ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể gia tăng trở lại trong thời gian tới. Nhóm chuyên gia cho biết, hiện nay, số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm ở nhiều khu vực, nhưng lưu lượng người đi lại đang gia tăng khiến tình hình dịch bệnh có nguy cơ nóng trở lại. Các chuyên gia đặc biệt bày tỏ quan ngại về tình hình ở tỉnh Okinawa khi số ca mắc mới ở đây tăng cao chưa từng thấy.
Trong bối cảnh Nhật Bản sắp đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, nhóm chuyên gia này đã đưa ra một số kế hoạch nhằm đánh giá nguy cơ lây lan dịch COVID-19 liên quan tới các sự kiện thể thao này, đồng thời đề xuất những biện pháp phòng dịch cho các giải đấu. Dự kiến, các đề xuất sẽ được công bố vào tuần tới.
Theo cảnh báo được đưa ra, trong cuộc khảo sát hàng năm của tổ chức phi chính phủ KidsRights có trụ sở tại Hà Lan, đã có quá nhiều tác động do dịch COVID-19. Trong đó là ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền của trẻ em và người trẻ có nguy cơ đối mặt với "một thảm họa thế hệ" nếu chính phủ các nước không hành động kịp thời.
Khảo sát nêu rõ, hàng triệu trẻ em trên thế giới đã mất cơ hội được học tập do các biện pháp hạn chế được áp dụng để kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, sức khỏe tâm thần và thể chất của các em bị ảnh hưởng về lâu dài. Báo cáo nhận định, so với năm 2020, đại dịch đã gây ra những tác động vượt xa dự báo. Báo cáo khẳng định, việc phục hồi hoạt động giảng dạy là chìa khóa để tránh "một thảm họa thế hệ đối với trẻ em" do đại dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!