Căng thẳng Iran - Israel: “Ngòi nổ” vẫn âm ỉ

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 21/04/2024 15:32 GMT+7

VTV.vn - Những phản ứng mới trong căng thẳng giữa Iran và Israel đang mang lại nhiều tín hiệu tích cực và xoa dịu nhưng “ngòi nổ” âm ỉ vẫn còn.

Ngày 13/4, dư luận lo ngại tình hình Trung Đông bước vào một ngưỡng nguy hiểm mới. Vụ trả đũa quy mô lớn cũng là vụ tấn công trực tiếp lần đầu tiên của Iran vào Israel với hàng trăm máy bay không người lái và tên lửa. Sự cố này dường như đã kết thúc êm đềm nhất có thể, không có thiệt hại nhân mạng, không một lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra. Các diễn biến mới nhất đến ngày 19/4 đang tạm thời cho thấy dấu hiệu kiềm chế từ cả hai bên.

Căng thẳng mới tại Trung Đông

Sáng 19/4, hệ thống phòng không của Iran được kích hoạt ở tỉnh Isfahan. Theo truyền thông địa phương, Iran đã bắn hạ một số thiết bị bay không người lái và không có cuộc tấn công tên lửa nào vào nước này. Các cơ sở hạt nhân ở tỉnh Isfahan không bị ảnh hưởng.

Theo điều tra của Iran, thiết bị bay không người lái xuất phát từ bên trong nước này và không liên quan đến Israel. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây ban đầu cho rằng sự việc lần này là đòn trả đũa của Israel sau vụ tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay không người lái của Iran nhằm vào Israel từ 5 ngày trước. Trong vụ tấn công này, Israel thiệt hại không nhiều do hầu hết máy bay không người lái và tên lửa đã bị bắn hạ.

Căng thẳng Iran - Israel: “Ngòi nổ” vẫn âm ỉ - Ảnh 1.

Hình ảnh đăng trên website của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho thấy máy bay không người lái được cho là của Israel bị bắn rơi gần cơ sở hạt nhân Natanz của Iran (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuẩn đô đốc Daniel Hagari - người phát ngôn quân đội Israel - nói: "Iran đã bắn hơn 110 tên lửa đạn đạo, bên cạnh tên lửa hành trình, tên lửa, máy bay không người lái. Việc bắn 110 tên lửa đạn đạo là một sự leo thang trong khu vực, là một sự leo thang nguy hiểm. Nếu những tên lửa đạn đạo đó bắn trúng Israel, nó sẽ sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm cho khu vực".

Iran nêu rõ cuộc tấn công ngày 13/4 của họ nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, viện dẫn Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời khẳng định không có ý định tiếp tục hoạt động này và không tìm cách gây leo thang căng thẳng trong khu vực.

Cho đến nay, Israel vẫn giữ thái độ im lặng, thông điệp duy nhất từ Văn phòng Thủ tướng Netanyahu và Lực lượng Phòng vệ Israel luôn là cụm từ "không bình luận". Động thái này được giới phân tích đánh giá là để tránh cuốn vào vòng xoáy leo thang trả đũa nguy hiểm. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế hiện liên tục kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây leo thang căng thẳng trong khu vực. Mỹ và các nước phương Tây cũng áp hàng loạt các lệnh trừng phạt lên Iran sau vụ tấn công vào Israel.

Những nỗi đau âm ỉ và dai dẳng

Các động thái liên tiếp diễn ra giữa hai lực lượng quân sự lớn ở Trung Đông. Mỗi động thái nếu thiếu đi sự kiềm chế của các bên, hoàn toàn có thể trở thành mồi lửa châm lên một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.

Trung Đông vẫn được xem là một khu vực phức tạp. Thực tế cho thấy một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự phức tạp suốt thời gian dài qua bắt nguồn từ mối quan hệ giữa các quốc gia Trung Đông với Iran và Israel. Mỗi quốc gia có những cách liên kết khác nhau, tương tác lợi ích khác nhau với Iran và Israel. Trong nhiều trường hợp, những mối liên kết và tương tác lợi ích này thường theo chủ nghĩa thực dụng và không công khai. Vì vậy, thái độ của khu vực này như thế nào đối với cuộc xung đột hiện nay giữa Iran và Israel cũng sẽ rất khác nhau và đôi khi những gì tuyên bố ra không thực sự là những gì họ nghĩ. Nhưng một sự lo lắng bao trùm khu vực chắc chắn đang là tâm trạng chung hiện nay tại Trung Đông. Sau những sự cố vừa rồi, các thị trường, từ chứng khoán tới dầu mỏ, đã không quá bị rúng động.

Những gì vừa diễn ra được cho là sẽ gây ra những nỗi đau âm ỉ và dai dẳng. Theo cuộc Khảo sát Rủi ro Toàn cầu mới nhất của Tổ chức Oxford Economics, 2/3 số doanh nghiệp hiện coi Trung Đông là mối đe dọa rất lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới. Những gì vừa diễn ra đã tạo ra cho phần lớn các doanh nghiệp một tâm trạng nghi ngại với Trung Đông. Nó nguy cơ sẽ phá hủy những nỗ lực của các quốc gia trong việc biến nơi đây trở thành một điểm đến du lịch hay đầu tư, đặc biệt trong kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Căng thẳng Iran - Israel: “Ngòi nổ” vẫn âm ỉ - Ảnh 2.

Binh sĩ Iran tại một căn cứ quân sự ở Tehran hôm 17/4 (Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock)

Từ trước đến nay, Iran và Israel vẫn đối địch nhưng đó được xem là một cuộc đối địch trong bóng tối. Những gì đã diễn ra trong tuần qua có thể tạo ra một dấu mốc để hai cường quốc Trung Đông này bắt đầu một thời kỳ sẵn sàng đối đầu trực diện.

Cho đến lúc này, khu vực Trung Đông vẫn đang mang một niềm tin rằng cả hai nước sẽ không bị sa vào "đường lối phiêu lưu về chính trị và quân sự" để tiếp tục đẩy những xung đột trực diện giữa hai quốc gia lên những nấc thang khó lường mới. Nhưng sự leo thang căng thẳng thì được nhận định sẽ khó tránh khỏi. Một khái nhiệm đang được Trung Đông đang nhắc đến sau những gì vừa diễn ra là nó có thể mở ra một giai đoạn "cận kề bên miệng hố chiến tranh vĩnh viễn" giữa Iran và Israel.

"Vĩnh viễn" có thể là một cách nói hơi bi quan nhưng nó cho thấy dư luận Trung Đông hiện nay hầu như không thấy bất cứ yếu tố nào có thể khiến Iran và Israel chấp nhận lùi bước hay hòa dịu, dù là tạm thời. Chúng ta đã nhìn thấy xung đột tại Dải Gaza sau sự cố hôm 7/10/2023 đã tạo ra những hệ lụy như thế nào tại biển Đỏ. Chưa ai có thể biết những kịch bản nào sẽ có thể xảy đến với nhiều điểm nóng khác tại Trung Đông như eo biển Hormuz hay những giếng dầu.

Kêu gọi xoa dịu căng thẳng Trung Đông

Chỉ một bước tính toán sai lầm có thể đẩy cả Trung Đông vào một nấc thang bạo lực và căng thẳng cao hơn. Israel từ lâu theo đuổi quan điểm cứng rắn, khi bị tấn công, phải đáp trả mạnh mẽ để đối phương không làm điều đó lần nữa. Trong khi đó tuyên bố, Iran sẽ tiếp tục tấn công nếu bị trả đũa. Kiềm chế là điều Liên hợp quốc và các nước kêu gọi với các bên trong vấn đề này.

Môi trường an ninh tại Trung Đông đang ngày càng phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Sau một loạt xung đột xảy ra giữa Israel và Iran trong những tuần vừa qua, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng.

Tại trụ sở Liên hợp quốc, Tổng thư ký Antonio Guterres khẳng định đây là thời điểm để chấm dứt chu kỳ trả đũa nguy hiểm tại Trung Đông.

Căng thẳng Iran - Israel: “Ngòi nổ” vẫn âm ỉ - Ảnh 3.

Tổng thư ký Antonio Guterres (Ảnh: AFP)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu: "Trung Đông đang trên bờ vực thẳm. Những ngày gần đây đã chứng kiến sự leo thang nguy hiểm trong lời nói và hành động. Một tính toán sai lầm, một thông tin sai lệch, một sai lầm có thể dẫn đến điều không thể tưởng tượng được - một cuộc xung đột khu vực quy mô toàn diện sẽ tàn phá tất cả các bên liên quan và phần còn lại của thế giới. Thời điểm nguy hiểm nhất phải là thời điểm cần kiềm chế tối đa".

Trong khi đó, Mỹ và Anh ngày 18/4 đã công bố lệnh trừng phạt mới nhằm vào Iran sau vụ nước này phóng tên lửa và thiết bị bay không người lái tấn công Israel đêm 13/4. Liên minh châu Âu cho biết đang xem xét áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và kêu gọi các bên xuống thang kiềm chế.

Theo bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Chúng ta phải làm mọi cách có thể để tất cả các bên kiềm chế leo thang căng thẳng khu vực. Chúng ta đã chứng kiến cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa, khoảng 300 chiếc, của Iran vào Israel. Điều hoàn toàn cần thiết là khu vực phải ổn định và tất cả các bên kiềm chế không có hành động tiếp theo".

Bà Karine Jean-Pierre - Thư ký báo chí Nhà Trắng - cho rằng: "Tôi biết có rất nhiều người đang quan tâm đến các báo cáo từ Trung Đông nhưng chúng tôi không có bất kỳ bình luận nào về các báo cáo vào thời điểm này. Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rất rõ ràng rằng chúng tôi không muốn thấy xung đột này leo thang. Chúng tôi tiếp tục tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác, bao gồm cả trong khu vực, để giảm nguy cơ leo thang hơn nữa".

Căng thẳng Iran - Israel: “Ngòi nổ” vẫn âm ỉ - Ảnh 4.

Nhân viên cứu hộ tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát của tòa nhà bị trúng bom trong đêm của Israel ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 21/4/2024 (Ảnh: AFP)

Nga và Trung Quốc - hai Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - cũng lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

"Chúng tôi đang tiến hành các cuộc điện đàm mang tính xây dựng với các bên .... để trao đổi về sự cần thiết phải giải quyết lúc này, đó là giảm leo thang căng thẳng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực thực hiện kiềm chế hợp lý" - ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói.

Ông Lâm Kiếm - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: "Trung Quốc phản đối bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông".

Sau 6 tháng bùng phát giao tranh tại Gaza, các nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao chấm dứt xung đột vẫn rơi vào bế tắc. Chính vì vậy, việc tìm lối thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng mới ở Trung Đông là điều rất quan trọng lúc này.

Trung Đông có bị cuốn vào những vòng xoáy mất kiểm soát?

Trung Đông nằm ở điểm kết nối 3 châu lục Á, Âu, Phi. Một sự tắc nghẽn tại Trung Đông vì thế sẽ nhanh chóng để lại những hệ quả toàn cầu. Ngoài ra, các nhà dự báo cũng đã đã tính toàn và cho thấy, nếu cuộc xung đột tại Trung Đông tiếp tục bị đốt nóng, nó sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 140 USD/thùng và khiến nguồn cung dầu của thế giới bị sụt giảm khoảng 6%. Đây là dự báo dựa trên những kịch bản xấu, không ai mong muốn và có thể chính Iran và Israel cũng thấy quá mạo hiểm để đẩy mọi thứ đi quá xa. Nhưng vấn đề là nếu những căng thẳng không sớm được hạ nhiệt, thì cũng không ai dám chắc liệu có thể xảy ra những tính toán sai lầm, những sự cố ngoài ý muốn, khiến Trung Đông bị cuốn vào những vòng xoáy mất kiểm soát.

Căng thẳng Iran - Israel: “Ngòi nổ” vẫn âm ỉ - Ảnh 5.

Một bảng quảng cáo lớn đặt trên đường phố, mô tả tên lửa Iran ở Tehran sau khi truyền thông nhà nước Iran đưa tin về vụ nổ ở tỉnh miền Trung Isfahan (Ảnh: AFP)

Hàng loạt lời kêu gọi kiềm chế từ các đồng minh phương tây của Israel được đưa ra, hy vọng tạo một sức ép chính trị cần thiết để giảm thiểu khả năng phản ứng leo thang thành chiến tranh toàn diện tại Trung Đông. Sự im lặng của Israel giữa hàng loạt thông tin mâu thuẫn sau vụ tập kích vào Iran hôm 19/4 vừa rồi, các bên được cho là đã tạo được một lối thoát khỏi vòng xoáy leo thang trả đũa nguy hiểm.

Hiện tại, chiến dịch Dải Gaza của Israel vẫn đang tiếp diễn, chưa có dấu hiệu dừng. Đây vẫn là ưu tiên hàng đầu lúc này của Israel. Sự kiềm chế trước sự cố mới với Iran có thể giúp tránh sa vào căng thẳng trên nhiều mặt trận. Vai trò của các vấn đề Trung Đông trong cục diện chính trị nói chung cho đến các vấn đề kinh tế, tuyến hàng hải quốc tế, các thị trường hàng hóa khiến dư luận thế giới tiếp tục thông điệp kêu gọi kiềm chế và tiến tới giải pháp sau cùng cho Dải Gaza cũng như Trung Đông dù có tầng tầng lớp lớp mâu thuẫn từ lịch sử khiến vấn đề này không dễ dàng.

Iran không muốn kích động tình hình Trung Đông Iran không muốn kích động tình hình Trung Đông Quốc tế nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang ở Trung Đông Quốc tế nỗ lực ngăn chặn xung đột leo thang ở Trung Đông Liên hợp quốc: Trung Đông bên bờ vực chiến tranh toàn diện Liên hợp quốc: Trung Đông bên bờ vực chiến tranh toàn diện

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước