Căng thẳng giữa Mỹ - Iran dường như đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi hai bên đều ra tín hiệu cho thấy họ muốn đối thoại để giảm bớt căng thẳng thay vì đối đầu.
Mới đây nhất, trong cuộc gặp với Quốc vương Qatar Sheikh Al-Thani đang ở thăm Iran, cả Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, Tổng thống Iran Rouhani đều nhất trí cho rằng hạ nhiệt căng thẳng là giải pháp duy nhất cho tình hình hiện nay trong khu vực.
Về phía Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Tổng thống Mỹ sẵn sàng đàm phán với giới lãnh đạo Iran. Theo ông, Mỹ sẵn sàng ngồi lại và thảo luận mà không đưa ra điều kiện tiên quyết về một con đường mới tiến về phía trước trong quan hệ giữa Mỹ và Iran. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Esper cũng cho biết không có bằng chứng cụ thể việc Iran lên kế hoạch tấn công 4 đại sứ quán Mỹ. Các nhà phân tích cũng cho rằng những tín hiệu hướng tới đối thoại sẽ giúp tình hình tại Trung Đông hạ nhiệt vào thời điểm này.
Hiện, nhiều nước trên thế giới đang kêu gọi xúc tiến các hoạt động ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Gần 2 tuần căng thẳng gần như đỉnh điểm giữa Mỹ và Iran cũng là khoảng thời gian một loạt kênh ngoại giao được thiết lập.
Các kênh ngoại giao giúp hạ nhiệt căng thẳng
Cuộc gặp mới nhất giữa Quốc vương Qatar với Đại giáo chủ Iran Ali chỉ là một trong các cuộc tiếp xúc song phương trực tiếp nhằm tìm một giải pháp đối thoại cho khủng hoảng Mỹ - Iran. Trước đó, ngay sau vụ Mỹ không kích làm tướng Sulaymani thiệt mạng, Thụy Sĩ đã là kênh liên lạc tích cực, bí mật giữa Tehran và Washington. "Nhiều tin nhắn" đã được 2 bên gửi qua lại cho nhau thông qua Thụy Sĩ.
EU đã tổ chức họp khẩn về tình hình Iran với sự tham dự của Ngoại trưởng Iran Zarif. Ngoại trưởng Oman (nước cũng đóng vai trò trung gian) đã bay sang Iran tuần trước để gặp các quan chức Tehran.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đang công du Trung Đông 5 ngày với nội dung quan trọng là tìm giải pháp giúp xuống thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ bởi Nhật Bản là nước có quan hệ tốt đẹp lâu năm với Iran.
Sau nhiều ngày căng thẳng liên tục, những "cái đầu bớt nóng hơn" dường như đã xuất hiện ở Mỹ và Iran. Đây là bình luận của báo Bloomberg.
Thời báo New York trong bài "Mỹ, Iran và trò chơi không có người thắng" cho rằng sau khi tránh được bờ vực chiến tranh, lãnh đạo 2 nước có lẽ sẽ phải cân đo đong đếm "những được và mất". Theo tác giả bài viết, với Mỹ, cái mất nhiều hơn được trong tham vọng hạn chế chương trình hạt nhân và phát triển vũ khí của Iran, hay việc cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Còn với Iran cũng chỉ khá hơn chút ít trong việc mở cửa ngoại giao quốc tế hay giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế.
Thế nhưng có một thực tế là hầu hết các kênh ngoại giao hiện nay được cho là chỉ nhắm tới việc hối thúc các bên không khai hỏa, ngăn chặn các sự việc ngoài tầm kiểm soát, ít đề cập đến việc đối thoại. Thời báo Los Angeles trích ý kiến của chuyên gia người Mỹ về Trung Đông Seth Jones: "Với mức độ căng thẳng, thiếu tin tưởng hiện nay, cùng với sự xa cách giữa Mỹ và đồng minh châu Âu, chưa thấy khả năng của sự đột phá ở đâu".
Cùng quan điểm, trang tin BBC cho rằng xuống thang căng thẳng chỉ là tạm thời. Cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran vẫn sẽ tiếp diễn bởi chính sách gây áp lực tối đa của Washington lên Tehran chưa dừng lại; mục tiêu chiến lược của Iran cũng không đổi đó là khôi phục kinh tế, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Nguồn cơn của những căng thẳng hiện nay - thỏa thuận hạt nhân - vẫn khó có thể thoát khỏi bế tắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!