Sông Yukon ở Bắc Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Điều này khiến các loài cá trên sông Yukon ở Bắc Mỹ có thể trở nên độc hại nếu con người ăn phải trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là kết luận mới được công bố trong nghiên cứu do Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ tiến hành và công bố trên tạp chí Nature Communications.
Nồng độ thủy ngân trên con sông Yukon được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào cuối thế kỉ 21 nếu lượng khí thải carbon tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay. Theo nghiên cứu trên, lượng phát thải khí carbon gây hiệu ứng nhà kính hiện nay có thể khiến băng tan, kéo theo lượng thủy ngân trong cá trên sông Yukon vượt ngưỡng chỉ tiêu an toàn của Chính phủ Liên bang Mỹ vào năm 2050.
Tuy nhiên, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này giảm xuống bằng với mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nồng độ thủy ngân sẽ chỉ tăng 14% cho tới cuối thế kỷ 21, giúp lượng thủy ngân trong cá ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn so với chỉ tiêu an toàn.
Băng tan trên sông Yukon. (Ảnh: AP)
Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ, chuyên gia Kevin Schaefer, cho rằng, điều này phụ thuộc chủ yếu vào cách ứng phó của con người đối với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chỉ ra rằng, cuộc sống của cộng đồng cư dân bản địa ở Alaska (Mỹ) và Canada phụ thuộc phần lớn vào các loài cá trên sông Yukon.
Con sông dài gần 3.200 km đóng vai trò như một cảnh báo, dự báo những gì có thể xảy ra trên toàn bộ Bắc Cực. Chính vì vậy, những gì xảy ra tại sông Yukon không chỉ ảnh hưởng tới người dân sinh sống quanh khu vực này mà có thể tác động tới toàn thế giới.
Trước đó, một nghiên cứu vào năm 2018 do ông Schaefer phối hợp cùng các thành viên Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và một số viện nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, lớp băng vĩnh cửu tại Bắc Cực chứa lượng thủy ngân cao gần gấp đôi so với tổng lượng thủy ngân có trên đất liền, đại dương và khí quyển của Trái đất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!