Nỗ lực giải phóng dòng chảy dưới chân cầu Mon. Ảnh: Floodlist
Theo giới chức Thái Lan, ngoài áp lực dòng chảy nước sông tăng cao, một lượng lớn rác bị cuốn theo dòng nước sông đang tích tụ ở các chân cây cầu cũng đe dọa gây sập cây cầu Mon, có tên gọi Uttamanusorn theo tiếng Thái Lan.
Hiện quân đội Thái Lan đã phải huy động thuyền máy, binh sĩ và các tình nguyện viên di chuyển rác, trong đó chủ yếu là các cành cây, khúc gỗ mắc kẹt dưới chân cầu gỗ nhằm giảm áp lực nước bên dưới.
Đại tá Saratvuth Chaisith chỉ huy trung đoàn số 29 đóng quân tại tỉnh Kanchanaburi cho biết hiện áp lực nước sẽ còn gia tăng và có thể khiến cầu bị sập, tương tự vụ việc xảy ra ngày 28/7/2013 khi phần giữa của cầu bị sập.
Theo Đại tá Saratvuth Chaisith, trong hơn 2 tuần qua, khu vực vùng núi Tanasserim giáp biên giới với Myanmar liên tục có mưa lớn, làm gia tăng lưu lượng nước trên các sông Songkalia và Runtee. Hiện quân đội Thái Lan đã nhận chỉ thị sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ người dân địa phương ứng phó với lũ quét.
Nằm ở huyện Sangkhla Buri, tỉnh Kanchanaburi, cầu Mon được dựng lên vào năm 1986 hoàn toàn bằng sức người với chất liệu gỗ Taek địa phương và không có bất cứ cấu trúc hỗ trợ nào khác.
Với chiều dài 850m, đây là cây cầu gỗ dài nhất Thái Lan và dài thứ 2 trên thế giới sau cầu U Bein dài 1,2 km bắc qua hồ Taungthaman của Myanmar. Cầu Mon lâu nay trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn đối với cả du khách trong nước và nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!