:ực lượng bảo vệ bờ biển sơ tán dân trong mưa lũ tại một ngôi làng ở thị trấn Catarman, Bắc Samar, miền Trung Philippines, tháng 11/2023. (Ảnh: Handout/Philippine Coast Guard)
Trong đó, lũ lụt và bão là nguyên nhân chính gây thương vong và thiệt hại kinh tế ở châu Á.
Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 và cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên hợp quốc cho biết châu Á đang ấm lên với tốc độ đặc biệt nhanh.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (VMO) nhận định tác động của các đợt nắng nóng ở châu Á ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, với việc các sông băng tan chảy đe dọa an ninh nước tại khu vực này trong tương lai.
WMO cho biết châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, với nền nhiệt trong năm 2023 cao hơn gần 2℃ so với mức trung bình từ năm 1961 đến năm 1990.
Giám đốc WMO Celeste Saulo nêu rõ trong một tuyên bố: "Nhiều quốc gia trong khu vực đã trải qua năm nóng kỷ lục vào năm 2023, cùng với hàng loạt điều kiện thời tiết khắc nghiệt từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão. Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện như vậy, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống con người và môi trường chúng ta đang sống".
Châu Á là khu vực hứng chịu thiên tai nhiều nhất thế giới (Ảnh: The Quint)
Báo cáo Hiện trạng Khí hậu ở châu Á 2023 nhấn mạnh tốc độ gia tăng của các chỉ số biến đổi khí hậu quan trọng như nhiệt độ bề mặt, sự rút lui của sông băng và mực nước biển dâng, đồng thời cho biết chúng sẽ có tác động nghiêm trọng đối với xã hội, nền kinh tế và hệ sinh thái trong khu vực.
Theo đại diện WMO: "Châu Á vẫn là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới do các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước trong năm 2023".
Nhiệt độ trung bình hàng năm gần bề mặt ở châu Á vào năm 2023 cao thứ 2, ở mức 0,91℃ so với mức trung bình giai đoạn 1991 - 2020 và cao hơn 1,87℃ so với mức trung bình giai đoạn 1961 - 1990.
Báo cáo cho biết nền nhiệt trung bình đặc biệt cao được ghi nhận từ phía Tây Siberia đến Trung Á và từ phía Đông Trung Quốc đến Nhật Bản, trong đó Nhật Bản đang hứng chịu mùa hè nóng kỷ lục.
Lượng mưa ở dãy Himalaya và dãy núi Hindu Kush ở Pakistan và Afghanistan thấp hơn mức bình thường. Trong khi đó, vùng Tây Nam Trung Quốc phải hứng chịu hạn hán với lượng mưa dưới mức bình thường trong gần như mọi tháng trong năm.
Vùng núi cao thuộc khu vực châu Á, tập trung vào cao nguyên Tây Tạng, chứa lượng băng lớn nhất bên ngoài các vùng cực. WMO cho biết trong vài thập kỷ qua, hầu hết các sông băng này đã tan dần và với tốc độ ngày càng nhanh, với 20 trong số 22 sông băng được giám sát trong khu vực chứng kiến tình trạng tổn thất băng hàng loạt tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
Báo cáo cho biết nhiệt độ bề mặt nước biển năm 2023 ở Tây Bắc Thái Bình Dương là mức cao nhất được ghi nhận.
Năm 2023, 79 thảm họa liên quan đến hiểm họa thời tiết liên quan đến nước đã được báo cáo ở châu Á. Trong đó, hơn 80% là lũ lụt và bão, với trên 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp.
WMO nhận định: "Lũ lụt là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các sự kiện được báo cáo vào năm 2023 với tỷ lệ đáng kể", đồng thời lưu ý rằng châu Á đang tiếp tục có mức độ dễ bị tổn thương cao trước các sự kiện thiên tai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!